Đến tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan quản lý nhà nước có đại diện Lãnh đạo Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN); Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Công nghệ thông tin, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Về phía các tổ chức quốc tế có đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Chương trình sáng kiến phát triển mở, Viện Quản lý Đông Tây. Đặc biệt, Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ trên 400 trường đại học, cơ quan thông tin - thư viện, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp có liên quan trên khắp cả nước.
Hội thảo đã diễn ra trong 02 phiên, trong đó:
- Phiên thứ nhất
“Chính sách và mô hình học liệu mở - OER” với các báo cáo giới thiệu tổng quan về học liệu mở, nhận dạng các yếu tố tác động đến việc xây dựng và chia sẻ học liệu mở trong các trường đại học Việt Nam, sáng kiến phát triển mở - hệ thống dữ liệu về phát triển tại khu vực Mekong, dự đoán kịch bản tương lai của giáo dục Việt Nam với tác động từ OER;
- Phiên thứ hai
“Cộng đồng, nội dung, công nghệ và công cụ cho học liệu mở” với các báo cáo giới thiệu về những yếu tố kỹ thuật giúp cho tài nguyên giáo dục mở sẵn sàng, kết quả khảo sát tình trạng hiểu biết về tài nguyên giáo dục mở của giáo viên tại một số trường đại học, vai trò của học liệu mở trong đào tạo ngành khoa học thông tin - thư viện.
Nhằm tạo dựng cộng đồng hợp tác, xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục đại học tại Việt Nam, Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa 10 bên gồm: CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam – VFOSSA; Liên Chi hội Thư viện Đại học phía Bắc - NALA; Liên Chi hội Thư viện Đại học phía Nam – VILASAL; Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc Gia về Công nghệ mở, Bộ KH&CN; Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Thương mại; Trường Đại học KHXH&NV; Trường Đại học Thăng Long.
Kết thúc Hội thảo, Ban tổ chức đã thông qua bản Báo cáo tổng kết hội thảo, trong đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển nguồn học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới./.