Hội nghị được sự bảo trợ của Ủy ban An toàn an An ninh hạt nhân và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Trước đó 1 ngày, ngày 18/2/2014, đã diễn ra lễ khai trương Học viện An ninh và không phổ biến hạt nhân quốc tế (INSA). Đây là một cam kết của Chính phủ Hàn quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ nhất ở Wasington về việc đầu tư xây dựng Học viện này như một Trung tâm xuất sắc với kinh phí 35 triệu USD để góp phần vào việc huấn luyện và đào tạo về an ninh và không phổ biến hạt nhân cho các nước trên thế giới, đặc biệt cho các nước mới đi vào phát triển điện hạt nhân.
Mục đích của Hội nghị là làm rõ tầm quan trọng của an ninh và không phổ biến hạt nhân trong cộng đồng quốc tế, cũng như đánh giá về các kết quả đã đạt được thời gian qua và cùng nhau nhìn về phía trước cho những cố gắng chung của cộng đồng quốc tế liên quan đến an ninh và không phổ biến hạt nhân, đặc biệt làm rõ ưu tiên và các phương thức hoạt động phù hợp của INSA.
Tham dự Hội nghị có Phó Tổng Giám đốc IAEA Denis Flory, đại diện các tổ chức phi chính phủ và đại diện các nước trong khu vực bao gồm cả Hoa Kỳ và Hà Lan, nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ nhất và lần thứ 3. Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã được mời tham gia dự Hội nghị và trình bày báo cáo về vấn đề an ninh và không phổ biến hạt nhân của Việt Nam. Về phía chủ nhà Hàn Quốc, có đại diện Ủy ban An toàn và an ninh hạt nhân (Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia), Bộ Ngoại giao, các tổ chức hạt nhân và đại diện các trường đại học có liên quan. Với chủ đề Hội nghị đã nêu, 5 vấn đề sau được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị bao gồm: 1) Ý nghĩa và vai trò xác thực của Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân; 2) Các thách thức và giải pháp về an ninh hạt nhân toàn cầu; 3) Vai trò của Trung tâm xuất sắc trong việc tăng cường chế độ và văn hóa an ninh hạt nhân; 4) Các thay đổi trong sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự liên quan đến an ninh và không phổ biến hạt nhân trước và sau tai nạn Fukushima; 5) Vai trò của các tổ chức phi chính phủ và công chúng đối với an ninh và không phổ biến hạt nhân.
Với vai trò trung tâm của IAEA trong vấn đề an ninh hạt nhân toàn cầu như phát biểu của Phó Tổng giám đốc IAEA, trong thời gian qua IAEA đã có rất nhiều hoạt động để thúc đẩy hệ thống an ninh hạt nhân toàn cầu như tổ chức Hội nghị bộ trưởng về an ninh hạt nhân tháng 7 năm 2013 với sự tham dự của trên 1300 đại biểu từ 125 nước thành viên và 21 tổ chức quốc tế, trong đó ¾ các nước do Bộ trưởng dẫn đầu, ra các nghị quyết về vấn đề an ninh hạt nhân ở các kỳ họp Đại hội đồng IAEA, tham dự Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về khủng bố hạt nhân năm 2012 và các Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân. Nếu tính từ năm 2002 khi IAEA thông qua Kế hoạch an ninh hạt nhân đầu tiên, đã có trên 1500 người ở 120 quốc gia được IAEA đào tạo về an ninh hạt nhân, hoàn thành vận chuyển 1800 kg nhiên liệu của lò nghiên cứu và cung cấp trên 1400 thiết bị ghi nhận, thực hiện trên 120 các cuộc tham vấn (IPPAS và INSServ) cho các nước, xuất bản trên 20 tài liệu hướng dẫn về an ninh hạt nhân, thực hiện trên 200 các cuộc viếng thăm tại hiện trường và hỗ trợ xây dựng trên 70 kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp cho các nước, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện vai trò trung tâm của mình, IAEA đã xây dựng và thông qua Kế hoạch an ninh hạt nhân cho giai đoạn 2014-2017 vào tháng 9 năm 2013. Để triển khai hiệu quả Kế hoạch an ninh hạt nhân, IAEA yêu cầu các nước thực hiện các hành động phối hợp chung, không thể chỉ từng nước thực thi đơn lẻ vì vấn đề an ninh hạt nhân là vấn đề mang tính toàn cầu.
Các đóng góp của Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân đối với các vấn đề đe dọa khủng bố hạt nhân đã được Hội nghị thảo luận. Sau sự kiện 11/9, vấn đề khủng bố hạt nhân đã trở nên hiện hữu không phải chỉ là mối đe doạ nữa. Theo IAEA, với tính khả thi về mặt kỹ thuật, việc chế tạo bom nguyên tử cùng loại mà Mỹ ném xuống Hiroshima chỉ cần 25 kg nhiên liệu độ giàu cao (HEU), trong khi hiện nay ước tính có khoảng 1390 tấn HEU và 490 tấn Pu được lưu giữ ở các nơi trên thế giới. Cũng theo IAEA thì từ năm 1992 đến 2013 đã phát hiện 2363 trường hợp vận chuyển bất hợp pháp, lấy cắp hoặc mất chộm các vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ. Chính vì vậy Tổng thống Obama đã đề nghị tiến hành Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Washington năm 2010 là một thành công với việc các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đã ngồi lại với nhau để trao đổi về vấn đề an ninh hạt nhân toàn cầu. Ở Hội nghị lần thứ 2 tại Seoul, các nhà lãnh đạo cấp cao các nước đã thống nhất đưa ra các giải pháp định hướng hành động trong Tuyên bố chung Seoul và mở rộng chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh. Hội nghị thượng đỉnh Hague sắp tới sẽ là một cơ hội có ý nghĩa để phản ánh về đóng góp của quá trình Hội nghị thượng đỉnh dựa trên các thành tựu đã đạt được trong hơn 4 năm qua kể từ thông điệp của Tổng thống Obama tại Praha. Tương lai của quá trình Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, một trong các vấn đề quan trọng nhất, được hy vọng sẽ được quyết định ở Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 sẽ được tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2016.
Các kết quả đạt được sau Hội nghị thượng đỉnh Seoul đã được thảo luận tại Hội nghị này. Trước hết, Tuyên bố Seoul đã thiết lập một tầm nhìn thực tiễn trong 11 lĩnh vực quan trọng của an ninh hạt nhân. Theo đó, các quốc gia cần áp dụng hai biện pháp bao gồm tuyên bố tự nguyện giảm thiểu nhiên liệu HEU vào cuối năm 2013 và bảo đảm cho Công ước bảo vệ thực thể nhiên liệu hạt nhân (CPPNM) có hiệu lực vào năm 2014. Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Seoul đã có thêm 18 nước phê chuẩn phần sửa đổi của CPPNM năm 2005, 18 trong số 22 nước có nhiên liệu HEU đã tuyên bố kế hoạch giảm thiểu sử dụng, tham gia chương trình chuyển đổi và vận chuyển trả lại nhiên liệu HEU. Ngoài ra, 55 nước tham gia đã có trên 100 nước tuyên bố cam kết tự nguyện. Hội nghị thượng đỉnh Seoul đã mở rộng chương trình nghị sự bao gồm “Tương tác giữa an toàn và an ninh hạt nhân” và “An ninh các vật liệu phóng xạ” được xem xét dưới ánh sáng của các hậu quả của tai nạn Fukushima đối với các nước có nhà máy điện hạt nhân trong trường hợp có khủng bố phóng xạ và phá hoại các cơ sở hạt nhân. Theo đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Seoul thì các nước cần đệ trình báo cáo quốc gia trong lĩnh vực an ninh hạt nhân. Đã có 49 trên 53 quốc gia đã đệ trình báo cáo quốc gia như một cơ chế xem xét tình hình thực hiện an ninh hạt nhân của quốc gia và cơ chế này sẽ tiếp tục thực hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Hague. Sáng kiến “Gift Basket” được nêu trong Tuyên bố chung Seoul đã thiết lập một mô hình hợp tác mới. Trên cơ sở đó đã có 13 sáng kiến “Gift Basket” được công bố với công chúng bao gồm thông báo về an ninh thông tin và an ninh nguồn phóng xạ, an ninh vận chuyển, xây dựng các trung tâm xuất sắc, nhiên liệu LEU mật độ cao,… Cuối cùng, Hội nghị Thượng đỉnh Seoul đã thừa nhận vai trò trung tâm của IAEA trong lĩnh vực an ninh hạt nhân. Theo đó IAEA đã tổ chức Hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về an ninh hạt nhân vào tháng 7 năm 2013.
Các nhiệm vụ tương lai đối với Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân Hague cũng đã được đưa ra thảo luận ở Hội nghị này. Mặc dù đã có nhiều tiến triển trong lĩnh vực bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và tăng cường chế độ an ninh hạt nhân toàn cầu, song mối đe dọa của khủng bố hạt nhân vẫn còn hiện hữu, các nhà máy điện hạt nhân vẫn là các mục tiêu của khủng bố cả ở châu Âu và Hoa Kỳ. Các thảo luận để tìm ra giải pháp bền vững đối với các tổn thất của tai nạn Fukushima bao gồm việc quản lý nước nhiễm xạ vẫn còn phải được tiếp tục. Vì vậy, các vấn đề sau sẽ được xem xét tại Hội nghị Thượng đỉnh Hague. Trước hết, tăng cường tính công khai và hiệu quả thông qua các hoạt động xa hơn hướng đến các quốc gia không tham gia Hội nghị thượng đỉnh và các sáng kiến khác về an ninh hạt nhân như GICNP và GP là những nhiệm vụ quan trọng. Do bản chất phức tạp của các vấn đề an ninh hạt nhân, nên chỉ có thông qua sự cố gắng chung của các quốc gia thì mới có thể bảo đảm cho cộng đồng quốc tế chống lại được các mối đe dọa khủng bố hạt nhân. Thứ hai, cần tập trung cố gắng nâng cao nhận thức của công chúng, giới công nghiệp và giới khoa học về văn hóa an ninh hạt nhân. Từ đó sẽ bảo đảm sự có sự tham gia mang tính xây dựng và tích cực hơn của giới công nghiệp và các thành phần quan trọng khác trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân. Thứ ba, cần yêu cầu có sự quan tâm của cả các nhà chính trị và các chuyên gia vào vấn đề 3S – an ninh, an toàn và thanh sát hạt nhân. Cuối cùng không kém phần quan trọng là cộng đồng quốc tế đã và sẽ làm việc tích cực để chống lại việc buôn bán bất hợp pháp vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác giữa các quốc gia thông qua việc phát triển các điều ước khác nhau có liên quan cũng như các sáng kiến khác. Liên quan đến vấn đề này thì cần thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1540 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và các hoạt động có liên quan.
Phát biểu tại phiên họp về an ninh và không phổ biến hạt nhân trong sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, Cục trưởng Cục ATBXHN đã trình bày về tình hình sử dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam, đặc biệt là tình hình phát triển điện hạt nhân; các cơ chế chính sách quốc gia về sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử; các chính sách về an ninh và không phổ biến hạt nhân của Việt Nam, đặc biệt là việc tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến an ninh và không phổ biến hạt nhân; các kết quả đã đạt được của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh và không phổ biến hạt nhân cũng như kế hoạch tiếp theo về bảo đảm thực hiện an ninh và không phổ biến hạt nhân trong sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử ở Việt Nam. Báo cáo của Cục trưởng Cục ATBXHN đã nhấn mạnh vai trò của IAEA và các nước trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực quốc gia nhằm thực thi các biện pháp bảo đảm an ninh và không phổ biến hạt nhân. Tham dự Hội nghị này là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam trong việc chuẩn bị cho lãnh đạo cấp cao của quốc gia tham gia Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân Hague tháng 3 năm 2014 sắp tới.