Thứ sáu, 30/05/2014 09:27 GMT+7

Nghiên cứu thiết kế Serving Gateway (SGW) cho mạng di động thế hệ sau LTE advanced tại Việt Nam

Sáng 27/5/2014, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài Nghiên cứu thiết kế Serving Gateway (SGW) cho mạng di động thế hệ sau LTE advanced tại Việt Nam mang mã số KC.01.09/11-15 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN)...


Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Hiện nay, dịch vụ di động ngày càng đóng vai trò quan trọng trong số các loại hình dịch vụ viễn thông. Công nghệ cho mạng di động tiến triển rất nhanh, hiện tại đã chuẩn bị hướng đến thế hệ mạng di động thứ tư (4G). Trong các hướng phát triển lên 4G, mạng di động theo hướng LTE đang là hướng phát triển tiềm năng nhất.

Công nghệ LTE (Long Term Evolution) là một hệ thống công nghệ được phát triển từ họ công nghệ GSM/UMTS đang được nghiên cứu, thử nghiệm để tạo nên một hệ thống truy cập băng rộng di động thế hệ mới, hướng đến thế hệ thứ 4 – 4G. LTE cũng đang được các nhà mạng di động lớn trên thế giới lựa chọn là công nghệ mạng 4G và hiện đã được triển khai rộng rãi trên thế giới. Trong xu thế chung, các mạng di động của Việt Nam cũng đang dần chuyển sang mạng thế hệ 4G, một số nhà mạng đã đưa vào thử nghiệm kỹ thuật hệ thống 4G LTE như VNPT, Viettel, FPT…

Mục tiêu quan trọng nhất của đề tài là làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị Viễn thông tiên tiến trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Ngoài mục tiêu làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo SGW cho mạng di động, đề tài còn nhằm tới một số mục tiêu có tính thực tiễn như nâng cao trình độ đội ngũ kỹ thuật trong nước tiệm cận với các công nghệ viễn thông của thế giới và có đủ năng lực chủ động trong công tác kiểm định các thiết bị cũng như đo kiểm chất lượng, tối ưu mạng và dịch vụ trên mạng 4G, giảm chi phí thuê chuyên gia nước ngoài.

Theo đó, Đề tài tập trung nghiên cứu 4 nội dung chính: Nghiên cứu về mạng di động thế hệ mới và vai trò của Serving Gateway trên mạng di động 4G LTE Advanced; Phát triển hệ thống SGW cho mạng di động LTE Advanced; Thiết kế phát triển các phần mền công cụ mô phỏng dùng để kiểm tra chức năng hệ thống SGW; Thử nghiệm và đánh giá.

Sau 2 năm triển khai thực hiện đề tài (từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2013), nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành các nội dung khoa học. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, hiện nay nhóm thực hiện đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo một thực thể quan trọng cấu thành mạng viễn thông 4G LTE là SGW. Hệ thống SGW – sản phẩm của đề tài có đầy đủ chức năng, giao diện tuân thủ các quy định chặt chẽ của một thực thể viễn thông và có các thông số kỹ thuật phù hợp đăng ký trong đề tài, hệ thống đã có khả năng cung cấp nền tảng cho các dịch vụ như Internet, Voice, Video.

Bên cạnh đó, nhóm thực hiện đề tài đã thực hiện thành công một số đề tài liên quan đến tổ chức mạng, thử nghiệm dịch vụ trên mạng 4G của VNPT. Trong thời gian tới, nhóm thực hiện có thể chủ động trong việc đo kiểm nghiệm hòa mạng cũng như tối ưu hạ tầng lõi cho mạng 4G.

Đặc biệt, đề tài đã đăng ký 02 bản quyền tác giả cho các sản phẩm của đề tài gồm: phần mềm chồng giao thức GTP – đây là modul thư viện phần mềm quan trọng để chế tạo các thực thể mạng lõi LTE; Các bài thực hành và hệ thống mô phỏng hỗ trợ thực hành nghiên cứu hoạt động của mạng lõi di động LTE dùng cho đào tạo Đại học chuyên ngành vô tuyến.

Nhóm thực hiện mong muốn trong thời gian tới được đưa sản phẩm vào mạng lưới thực tế của nhà khai thác để phục vụ cho một vùng lưu lượng nhỏ, qua đó hoàn thiện hệ thống cũng như có điều kiện tham gia sâu hơn vào công tác tối ưu mạng sau này.

Đề tài đã được các thành viên hội đồng cho rằng về cơ bản đã hoàn thành nội dung đăng ký, sản phẩm có thể sử dụng ở dạng Testbed với đầy đủ hầu hết chức năng. Tuy nhiên, đề tài cần có thêm thời gian để hoàn thành các nội dung như: kiểm nghiệm thực tế đối với sản phẩm dạng I; bổ sung các bài báo khoa học và hoàn thiện báo cáo tổng hợp.

Lượt xem: 3155

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)