Toàn cảnh buổi nghiệm thu Được biết, cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepede 1801) là loài cá dễ nuôi, ưa hoạt động, chủ yếu sống ở tầng giữa và tầng mặt, có thể phát triển nuôi quy mô công nghiệp. Cá chim vây vàng đem lại giá trị kinh tế cao, là mặt hàng được thị trường ưa chuộng. Tại Việt Nam, loại cá này còn khá mới mẻ nên mới chỉ chủ động được một phần giống, phần lớn phải nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, giá thành nhập cá giống ở nước ngoài cao mà nguồn cung lại không ổn định, khó thích nghi điều kiện trong nước,… nên ảnh hưởng lớn tới việc phát triển nuôi loại cá này theo quy mô lớn và thương mại hóa.
ThS. Ngô Văn Mạnh cho biết, trước thực tế này, dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng” triển khai với mục tiêu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cá chim vây vàng ở quy mô sản xuất đại trà với chất lượng tốt; có được công nghệ nuôi thương phẩm cá vây vàng trong lồng bằng thức ăn công nghiệp và quy trình sản xuất thức ăn công ngiệp cho cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn.
Sau gần 3 năm triển khai, dự án đã đạt được một số kết quả nổi bật như:
dự án tuyển chọn 100 cặp cá bố mẹ thành thục, khỏe mạnh và sinh sản tốt, khối lượng > 2,5 kg/con, không bị dị hình và bệnh tật. Sản xuất 1,2 triệu cá giống cỡ 3 – 4 cm/con, cá khỏe mạnh, không bị bệnh, tỷ lệ dị hình dưới 4,5%, sản xuất 20 tấn cá thương phẩm với cỡ cá khi thu hoạch từ 0,8 – 1,0 kg. Sản xuất 500kg thức ăn công nghiệp cho cá chim vây vàng có cỡ hạt từ 2,0 - 10,5mm.
Kết thúc dự án sản xuất được 229 con cá bố mẹ thành thục, 1.301.900 con cá giống cỡ 4 – 5 cm. Tỷ lệ sống cá bố mẹ 95,4%, tỷ lệ thành thục 73,74%, tỷ lệ thụ tinh 76,15%, tỷ lệ nở 81,05%. Tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương 13,19%, cá hương lên cá giống 90,22%, tỷ lệ dị hình của cá giống 4,02%. Trên cơ sở kết quả đạt được, dự án đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất giống cá chim vây vàng ở quy mô đại trà gồm các khâu: nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ, cho đẻ, thu và ấp nở trứng cá, ương nuôi cá bột lên cá hương, cá hương lên cá giống cỡ 4 – 5 cm. Dự án cũng đã sản xuất được 520 kg thức ăn phục vụ cho thử nghiệm ương và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng. Cá sử dụng thức ăn này sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và hệ số FCR thấp hơn so với cho ăn cá tạp và tương đương so với thức ăn công nghiệp dạng viên chìm của Công ty Uni-President.
PGS.TS Đỗ Văn Khương, Viện Nghiên cứu Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho rằng, với những kết quả đạt được, dự án đã được Hội đồng đánh giá cao về khả năng chuyển giao công nghệ cũng như khả năng thương mại hóa. Các thành viên hội đồng cho rằng, trong thời gian tới sẽ chuyển giao công nghệ của dự án đến với nhiều địa phương trong cả nước như Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.