Đề án tập trung khảo sát 120 cán bộ quản lý của các doanh nghiệp ở 3 nội dung: kiến thức quản trị doanh nghiệp, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ và tin học. Kết quả cho thấy, (1) Về kiến thức quản trị doanh nghiệp: Bên cạnh việc các doanh nghiệp đã xác định được sứ mạng của mình, công bố chiến lược kinh doanh một cách cụ thể thì doanh nghiệp cũng gặp phải một số vướng mắc trong việc xây dựng thương hiệu, trong công tác quản trị tài chính, chưa xác định được chiến lược đưa ra có đúng hướng hay chưa. (2) Về kỹ năng quản trị doanh nghiệp: Đa số các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc lập kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện giao quyền, phân quyền dẫn đến chồng chéo công việc. (3) Về kỹ năng ngoại ngữ và tin học: phần lớn không thành thạo ngoại ngữ để giao tiếp, không hiểu luật pháp quốc tế cũng như văn hóa kinh doanh của các quốc gia, chưa hiểu biết sâu về các phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh.
Để đưa ra những kế hoạch bồi dưỡng đào tạo phù hợp, đề án cũng tiến hành khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp trên 3 mặt: nội dung đào tạo, phương thức và thời gian đào tạo, đội ngũ giảng viên. Những kiến thức doanh nghiệp cần đào tạo tập trung vào các nội dung sau: Marketing, nghiên cứu thị trường; Quản lý tài chính kế toán; Quản trị nguồn nhân lực; Quản trị sản xuất; Quản trị bán hàng; Quản trị thương hiệu. Những kỹ năng doanh nghiệp mong muốn được đào tạo là: Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình; Kỹ năng đàm phán và giao dịch trong kinh doanh; Kỹ năng lãnh đạo và động viên; Kỹ năng lập kế hoạch; Kỹ năng ngoại ngữ, tin học. Thời gian tổ chức được lựa chọn là các ngày cuối tuần, đồng thời nhiều doanh nghiệp mong muốn việc tham quan, học hỏi thực tế để bổ sung kiến thức. Những người làm việc tại các tập đoàn lớn là đối tượng giảng dạy mà đa số doanh nghiệp muốn hướng đến.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trên, cơ quan chủ trì Đề án đã xây dựng kế hoạch đào tạo bám sát nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung, phương thức đào tạo phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp. Mục tiêu của Kế hoạch là tổ chức 6 khóa cho 200 cán bộ (trong độ tuổi 30-40 tuổi, tối thiểu 5 năm kinh nghiệm và trình độ đại học trở lên), trong thời gian 3 năm. Khâu đánh giá sau khóa học áp dụng theo mô hình “Bốn cấp độ” (phản ứng, kết quả học tập, ứng dụng, hiệu quả).
Hội đồng đánh giá cao tính khả thi của đề án trong việc đáp ứng tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị Ban chủ nhiệm đề án xem xét bổ sung đơn vị đào tạo, đơn vị cấp chứng chỉ, cơ chế tổ chức… để đề án được hoàn thiện.