Hàn Quốc được biết đến như một trong những quốc gia có sự phát triển nhanh về công nghệ điện tử, công nghệ nano, các loại vật liệu mới có khả năng chế tạo và ứng dụng cảm biến sinh học ngày càng thiết thực, phương pháp không đòi hỏi nhiều hóa chất, dung môi, chỉ cần lượng mẫu phân tích nhỏ, có khả năng phân tích nhanh theo thời gian thực, thiết bị nhỏ gọn, sử dụng đơn giản cũng như ứng dụng cảm biến sinh học. Đặc biệt có sự áp dụng cảm biến sinh học trong lĩnh vực y tế, quản lý bệnh viện kỹ thuật số, đây là một trong những thế mạnh của Hàn Quốc.
Ông Bae Byungwoo, Chủ tịch Công ty Infopia cho biết, Công ty hiện nay được Chính phủ Hàn Quốc và thế giới đánh giá cao trong các lĩnh vực sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sản xuất thực phẩm chức năng và thiết bị bào chế thực phẩm. Trong đó các sản phẩm hiện đại đã có thương hiệu gồm: máy đo đường huyết, máy phân tích HbA1C, thiết bị đo Cholesterol, máy phân tích bệnh gan, máy phân tích miễn dịch,…
Những thiết bị máy móc trên được đánh giá là thân thiện với người sử dụng, độ chính xác cao, có thể đánh giá tình trạng sức khỏe thực tế của bệnh nhân ngay tại chỗ nên rất thích hợp cho các bác sĩ dùng tại phòng khám đồng thời thuận tiện cho các bệnh nhân trong việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo ông Ham Churlman, Giám đốc Dự án Bệnh viện và Phòng Kinh doanh của Infopia, phía Hàn Quốc mong muốn chuyển giao các công nghệ mới nhất của ngành y tế cho Việt Nam. Tiếp đó là việc xây dựng bệnh viện mới ở Việt Nam – Bệnh viện kỹ thuật số. Đây là loại hình bệnh viện mà mọi hoạt động của thiết bị y tế được số hóa, việc chẩn đoán, chăm sóc và quản lý bệnh nhân được tự động hóa, máy tính hóa và hệ thống thông tin y tế thực hiện theo quy tắc “4 không”: không chụp phim, không biểu đồ, không phiếu khám chữa bệnh và không giấy tờ hành chính.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Tạ Bá Hưng- Cục trưởng Cục thông tin KH&CN Quốc gia đánh giá cao sự hợp tác bên phía Hàn Quốc trong 20 năm trở lại đây, sự hợp tác song phương này đã được nâng lên một tầm cao mới. Điều này được thể hiện tại nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, xuất khẩu, hạt nhân,… trong đó có lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Những công nghệ, thiết bị y tế trên được coi là những kỹ thuật hiện đại trong y tế mang tính đột phá cao. Đây sẽ là những giải pháp giúp cho Việt Nam tiếp cận được công nghệ hiện đại, tiên tiến của nước ngoài liên quan đến lĩnh vực y tế đặc biệt là việc triển khai xây dựng bệnh viện kỹ thuật số phục vụ tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.