Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2011 - 2013, hoạt động KH&CN của các tỉnh/thành phố vùng ĐBSH đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của từng địa phương. Các địa phương đã quan tâm đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN, đảm bảo hiệu quả và chất lượng việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, bảo đảm tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN.
Cùng với đó, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không ngừng được đổi mới. Các tỉnh, thành đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường thu hút lực lượng tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khuyến khích các đơn vị đặt hàng và trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình.
Từ năm 2011 - 2013, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH đã triển khai được 1.456 đề tài, dự án khoa học với 25,34% đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn; 35,37% thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; 23,9% thuộc lĩnh vực công nghiệp, giao thông thủy lợi, công nghệ thông tin; 5% đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực giáo dục - y tế. Có thể kể đến một số nhiệm vụ KH&CN tiêu biểu trong thời gian qua như: Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công nghệ thu, trữ nước ngọt trên đảo Bạch Long Vĩ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Hải Phòng); Xây dựng mô hình xử lý ao hồ ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và chăn nuôi ở vùng nông thôn bằng chế phẩm vi sinh (Biomix) (Hà Nam); Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị điều khiển tự động chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm năng lượng (Bắc Ninh)…
Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự đổi mới trong quản lý nhà nước về KH&CN tại các địa phương, môi trường pháp lý cho hoạt động KH&CN được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Cơ chế tổ chức, quản lý và hoạt động đã tạo được sự gắn kết giữa KH&CN với sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động KH&CN cũng còn những hạn chế, khó khăn như: nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền ở một số địa phương về vai trò của KH&CN còn hạn chế và chưa thực sự được coi trọng; quá trình đổi mới công nghệ còn chậm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GDP còn thấp; chưa hình thành được thị trường cung - cầu về KH&CN, giữa nghiên cứu ứng dụng và triển khai còn có những khoảng cách nhất định; đội ngũ cán bộ nghiên cứu chưa chuyên nghiệp;…
Để hoạt động KH&CN đạt nhiều kết hơn nữa trong thời gian tới, các địa phương kiến nghị Bộ KH&CN tham mưu với Chính phủ tiếp tục sửa đổi và có những chính sách đồng bộ, hướng dẫn cụ thể, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để các đơn vị tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện tốt Nghị định 115/2005/NĐ-CP; đề nghị Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ nghiên cứu trình Chính phủ thành lập Phòng quản lý KH&CN cấp huyện.
Đồng thời kiến nghị Bộ KH&CN giúp các địa phương hướng dẫn tính toán chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); hướng dẫn tính giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong GDP của các địa phương; giúp các địa phương đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách gắn kết ứng dụng chuyển giao công nghệ với mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư sẵn có ở địa phương; phối hợp với Bộ Công thương xây dựng chiến lược về phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu để hàng hóa trong nước đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.