Thứ năm, 15/05/2014 14:03 GMT+7

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua – khen thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ

Công tác thi đua - khen thưởng (TĐKT) nói chung, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng có vị trí, vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ nhân lực KH&CN đem tài năng, sức lực, trí tuệ cống...

Ngày 11/6/1948, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “TĐKT là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày". Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để chỉ đạo, quản lý hoạt động TĐKT như: Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc đổi mới và tiếp tục đổi mới công tác TĐKT; Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua yêu nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Luật TĐKT ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TĐKT ngày 14/6/2005 được cụ thể hóa trong Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT, Luật bổ sung một số điều của Luật TĐKT và các văn bản hướng dẫn thực hiện khác.

Quán triệt các văn bản nêu trên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và Đảng ủy Bộ, những năm qua công tác TĐKT của Bộ KH&CN đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nề nếp, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong hoạt động quản lý KH&CN và hoạt động KH&CN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Nhiều văn bản hướng dẫn công tác TĐKT đã được xây dựng, ban hành, thường xuyên cập nhật, bổ sung như: Thông tư số 14/2010/TT-BKHCN ngày 26/8/2010 quy định chi tiết tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN; Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ngày 26/8/2013 ban hành Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Quyết định số 644/QĐ-BKHCN ngày 07/4/2013 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Quyết định số 2352/QĐ-BKHCN ngày 30/7/2013 ban hành Quy chế TĐKT của Bộ KH&CN... đã giúp quản lý thống nhất, hiệu quả công tác TĐKT của Bộ. Phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức cả chiều sâu lẫn chiều rộng, bám sát thực tiễn, phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN nói chung, quản lý nhà nước về KH&CN nói riêng, đồng thời từng bước đổi mới nội dung, hình thức TĐKT. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã được quan tâm. Bộ máy làm công tác TĐKT được củng cố, kiện toàn, đặc biệt là việc thành lập Vụ TĐKT theo Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26/2/2013 của Chính phủ đã giúp công tác quản lý về TĐKT của Bộ chính quy và chuyên nghiệp hơn. Qua các phong trào thi đua yêu nước, đã có những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra, nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo các cấp về vị trí, vai trò công tác TĐKT cũng như công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể được nâng cao lên một bước.

Bên cạnh mặt tích cực đạt được, trên thực tế công tác TĐKT vẫn còn bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế và chưa thật sự trở thành động lực mạnh mẽ cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc và cống hiến. Một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác TĐKT, còn mang tính hình thức; công tác tuyên truyền, nhân điển hình tiên tiến, việc bình xét TĐKT chưa bám sát quy định pháp luật về sáng kiến, quy trình thủ tục, hồ sơ khen thưởng chưa đúng quy định,còn có hiện tượng bình xét luân phiên nhau,…

Ðể đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TĐKT, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước của Bộ KH&CN, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức công tác TĐKT bảo đảm phù hợp và sát thực tiễn, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ, đơn vị:

Các phong trào thi đua của Bộ, của các đơn vị phải có chủ đề, khẩu hiệu hành động rõ ràng; nội dung thi đua và chỉ tiêu phấn đấu phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện đặc thù của từng đơn vị trong Bộ. Việc đăng ký thi đua và tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đăng ký thi đua phải được làm thường xuyên ngay sau khi Bộ phát động phong trào thi đua của năm. Đơn vị nào không đăng ký thi đua đầu năm, Vụ TĐKT tổng hợp, tham mưu cho Hội đồng TĐKT Bộ sẽ không xét danh hiệu thi đua đối với đơn vị đó vào cuối năm.

Ngay từ đầu năm, Thường trực Hội đồng TĐKT Bộ, Vụ TĐKT cần xây dựng nội dung thi đua và khẩu hiệu hành động và phát động phong trào thi đua để các đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lấy đó làm căn cứ xây dựng nội dung thi đua của đơn vị mình cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Mỗi phong trào thi đua cần tạo ra được sự đột phá mới, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm bức xúc; tập trung hoàn thành công tác trọng tâm, trọng điểm của đơn vị.

Hai là, chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến:

Đây cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong việc đổi mới phương pháp tổ chức phong trào thi đua. Cần xây dựng tiêu chí xác định gương điển hình tiên tiến để áp dụng trong các đơn vị trực thuộc Bộ. Các đơn vị, tuỳ thuộc tính chất công việc được giao, thực hiện bình xét, chấm điểm thi đua định kỳ hàng tháng, quý, năm đối với cán bộ, công chức, viên chức; báo cáo Thường trực Hội đồng TĐKT Bộ những gương người tốt, việc tốt, các tập thể điển hình tiên tiến để tổng hợp, lựa chọn và tổ chức tuyên truyền, nêu gương tại các hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự lan tỏa tích cực trong khối cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc cũng như toàn xã hội. Tổ chức cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác TĐKT ở các đơn vị trực thuộc Bộ tham quan, học tập kinh nghiệm , cách làm đạt hiệu quả, đạt thành tích trong thực hiện phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Ba là, đề cao vai trò chỉ đạo, điều hành đối với công tác TĐKT:

Cần nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền ở các đơn vị trực thuộc Bộ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TĐKT. Tiếp tục kiện toàn Hội đồng TĐKT các cấp và nhân lực làm công tác TĐKT ở các đơn vị trực thuộc Bộ. Cán bộ làm công tác TĐKT, ngoài nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về TĐKT, cần có lòng nhiệt tình với công việc và phải có năng lực tổ chức phong trào thi đua để hướng mọi người trong tập thể phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

Bốn là, công tác TĐKT phải bảo đảm công bằng, kịp thời, đánh giá đúng mức sự nỗ lực, thành tích đạt được.

Việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ kết, tổng kết phong trào mới đưa bình xét mà cần tiến hành thường xuyên, vì thực chất của việc khen thưởng có vai trò chủ yếu là động viên tinh thần, làm cho người được khen thưởng phấn khởi, khích lệ và do đó hiệu quả công việc đương nhiên sẽ tốt hơn. Cũng cần quan tâm, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có tinh thần sáng tạo, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Việc khen thưởng đem lại giá trị tinh thần vì đó là sự tôn vinh. Mà đã là tôn vinh thì phải có sự thừa nhận khách quan. Nếu không công bằng, khách quan thì TĐKT sẽ phản tác dụng. Do vậy, việc khen thưởng phải đảm bảo công bằng: đúng người, đúng thành tích, đúng mục đích trọng tâm của thi đua để kịp thời động viên người tốt, tổ chức tốt nỗ lực hơn nữa, đồng thời có tác dụng khuyến khích người chưa tốt, đơn vị chưa tốt cố gắng phấn đấu hơn, tránh tình trạng cào bằng, hoặc năm trước đơn vị đó, người đó được khen thì năm nay nhường đơn vị khác, làm triệt tiêu sự nỗ lực phấn đấu liên tục của người đó, đơn vị đó.

Năm là, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác TĐKT và các quy chế, quy định nội bộ của Bộ:

Vụ TĐKT căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác TĐKT; kịp thời phát hiện các vấn đề khó khăn, vướng mắc để kiến nghị Lãnh đạo Bộ biện pháp khắc phục, chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TĐKT; phê bình những đơn vị tổ chức thực hiện phong trào qua loa, hời hợt, đối phó; phát hiện, ngăn chặn tiêu cực trong công tác TĐKT, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Ngoài ra, Vụ cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Vụ Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế,... kiểm tra việc chấp hành các quy chế, quy định nội bộ của Bộ như Quy chế làm việc của Bộ; Quy chế phân cấp quản lý cán bộ công chức, viên chức; Quy chế quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Quy chế quản lý đoàn ra và hộ chiếu,... Trên cơ sở đó, Vụ TĐKT tham mưu cho Hội đồng TĐKT Bộ trong việc đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cuối năm của các cá nhân, đơn vị, bảo đảm khách quan, công bằng.

Sáu là, làm tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác quản lý TĐKT để động viên toàn ngành thực hiện tốt hoạt động KH&CN để KH&CN thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước:

Để làm được việc đó, Vụ TĐKT cần nỗ lực làm tốt công tác tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý cho việc khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện xuất sắc trong hoạt động KH&CN, thực sự khuyến khích, động viên cá nhân, tổ chức đó nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới./.

Lượt xem: 5719

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)