Thứ hai, 28/10/2013 08:28 GMT+7

Góp ý dự thảo Nghị định quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN

Ngày 25/10/2013, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo góp ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN (Nghị định). Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh tham dự và chủ...


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo

Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ, Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 31 điều với nội dung chính gồm: các quy định chung; tuyển dụng, bổ nhiệm đặc cách chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; ưu đãi sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài KH&CN; trọng dụng nhân tài KH&CN; tổ chức thực hiện; điều khoản thi hành.

Nghị định quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN gồm chính sách đặc cách tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN; trọng dụng nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng. Nghị định áp dụng đối với cá nhân hoạt động KH&CN và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại Việt Nam.

Theo Dự thảo Nghị định, việc bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghiên cứu khoa học gồm các hạng: hạng I: nghiên cứu viên cao cấp, hạng II: nghiên cứu viên chính, hạng III: nghiên cứu viên, hạng IV: trợ lý nghiên cứu; chức danh công nghệ gồm các hạng: hạng I: kỹ sư cao cấp và tương đương, hạng II: kỹ sư chính và tương đương, hạng III: kỹ sư và tương đương, hạng IV: kỹ thuật viên.

Việc ưu đãi sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN sẽ gồm nâng bậc lương trước thời hạn và nâng lương vượt bậc cho các cá nhân hoạt động KH&CN đạt thành tích xuất sắc, mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị và xã hội; đảm bảo các điều kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị làm việc, phòng thí nghiệm; được hỗ trợ chi phí công bố kết quả nghiên cứu KH&CN trên các tạp chí uy tín quốc tế, xuất bản sách chuyên khảo, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ công trình KH&CN; được hỗ trợ kinh phí tham gia ươm tạo công nghệ tại các cơ ở ươm tạo công nghệ cho các kết quả nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ có khả năng thương mại hóa;...

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ về trọng dụng nhân tài KH&CN. Cụ thể, các cá nhân hoạt động KH&CN đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà khoa học đầu ngành sẽ được cấp kinh phí hàng năm theo đề xuất để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN liên quan đến phát triển ngành; được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm trọng điểm khác để triển khai nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ chi phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; được hưởng phụ cấp tương đương phụ cấp chức vụ Vụ trưởng cấp Bộ;...

Với nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng (nhiệm vụ do lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề xuất và Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp), ngoài các ưu đãi được quy định trong Luật KH&CN, nhà khoa học còn được quyền tự chủ đặc biệt và toàn quyền quyết định tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao (chủ động sử dụng kinh phí, bố trí, sử dụng nhân lực); được tạo điều kiện thuận lợi trong thời gian thực hiện nhiệm vụ như tiếp cận với mọi nguồn thông tin, tư liệu từ các thư viên điện tử, thư viện kỹ thuật quan trọng; được bố trí phương tiện đi lại, nhà ở công vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao,…

Còn với nhà khoa học trẻ tài năng, được ưu tiên cấp học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành KH&CN tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài, ưu tiên xét cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức KH&CN uy tín ở nước ngoài; được thành lập các nhóm nghiên cứu xuất sắc tại các tổ chức KH&CN trong lĩnh vực chuyên môn và hỗ trợ kinh phí hoạt động thông qua các dự án nghiên cứu được tuyển chọn; được hỗ trợ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác thuộc các tổ chức KH&CN công lập để thực hiện các hoạt động KH&CN;...

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng cần chỉnh sửa, làm rõ một số nội dung để Nghị định dễ hiểu và ngắn gọn hơn; làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; cần có hình thức tôn vinh thỏa đáng sao cho các nhà khoa học được trọng dụng thực sự, được đối xử công bằng; làm rõ các tạp chí chuyên ngành uy tín; việc kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu cần căn cứ vào nhu cầu; bổ sung thêm nội dung miễn hoặc giảm học phí tại cơ sở đào tạo, dạy nghề trong nước đối với con của nhà khoa học trẻ tài năng;...

Thay mặt tổ biên soạn Dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu và sẽ chỉ đạo xem xét, chỉnh sửa phù hợp với thực tế cũng như các quy định hiện hành.

Lượt xem: 1824

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)