Thứ sáu, 21/02/2025 14:27 GMT+7

Thiết lập mạng quan trắc cảnh báo sớm bức xạ vực ASEAN

Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử khu vực ASEAN đặt mục tiêu thiết lập một mạng lưới quan trắc, cảnh báo sớm bức xạ và kênh trao đổi dữ liệu có đủ năng lực phát hiện nhanh chóng và chính xác mọi mức tăng đáng kể về bức xạ hay chất phóng xạ bất kỳ trong môi trường. Hệ thống này sẽ cung cấp các cảnh báo kịp thời đến các quốc gia thành viên, hỗ trợ họ triển khai các biện pháp ứng phó sự cố, góp phần đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân trong khu vực.
Ngày 18/2/2025, tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN), Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã tổ chức Lễ tiếp nhận thiết bị thuộc Dự án “Thiết lập mạng quan trắc cảnh báo sớm bức xạ và kênh trao đổi dữ liệu khu vực ASEAN” thành phần tại Việt Nam do Liên minh châu Âu (EU) viện trợ không hoàn lại (Dự án EU-ASEANTOM). 
Buổi tiếp nhận thiết bị có sự tham dự của: TS. Phạm Quang Minh - Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, TS. Hoàng Sỹ Thân - Trưởng Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học (KH&QLKH), PGS.TS. Phạm Đức Khuê - Viện trưởng Viện KH&KTHN, đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBX&HN), Công ty VINTECHS (đại diện Nhà thầu ENVINET GmbH, Đức), cùng các cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của đơn vị.
Các đại biểu tham dự sự kiện chụp ảnh lưu niệm.
Mạng lưới các cơ quan pháp quy về NLNT trong khu vực ASEAN (ASEANTOM) đặt mục tiêu thiết lập một mạng lưới quan trắc, cảnh báo sớm bức xạ (EWRMN) và kênh trao đổi dữ liệu (ASEAN-RDEP) khu vực ASEAN có đủ năng lực phát hiện mọi mức tăng đáng kể về bức xạ hay chất phóng xạ bất kỳ trong môi trường và đưa ra cảnh báo tức thì đến các nước thành viên nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố một cách kịp thời và hiệu quả. Trên cơ sở hợp tác giữa EU và ASEANTOM,  Dự án đã được EU phê duyệt và triển khai cung cấp các thiết bị đến 7 quốc gia (Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Việt Nam). Trong khuôn khổ Dự án, Việt Nam được EU tài trợ 41 thiết bị quan trắc phóng xạ, trong đó 40 thiết bị quan trắc trên mặt đất và 01 thiết bị quan trắc trong môi trường nước (biển) cùng hệ thống máy chủ và phần mềm vận hành.
Thiết bị quan trắc phóng xạ trong môi trường biển.
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao Viện NLNTVN, Cục ATBXHN phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai tiếp nhận, lắp đặt, đào tạo, vận hành hệ thống. Hiện nay, phần khảo sát các địa điểm quan trắc và tiếp nhận thiết bị đã hoàn thành, trong thời gian tới Viện KH&KTHN sẽ tiến hành các công việc tiếp theo là hoàn thiện hạ tầng, tham gia đào tạo, lắp đặt và vận hành hệ thống. Dự kiến việc thiết lập mạng quan trắc cảnh báo sớm bức xạ và kênh trao đổi dữ liệu khu vực ASEAN thành phần tại Việt Nam sẽ hoàn thành trong năm 2025. Tại sự kiện, sau khi nghe báo cáo tiến độ của các đơn vị trong quá trình thực hiện Dự án, TS. Phạm Quang Minh nhấn mạnh đề nghị các đơn vị tiếp tục tích cực triển khai để đưa hệ thống đi vào hoạt động bảo đảm tiến độ Dự án.
TS. Phạm Quang Minh cùng đại diện các đơn vị Viện KH&KTHN, VINTECHS, Cục ATBX&HN chứng kiến việc tiếp nhận và kiểm đếm thiết bị của Dự án.
Trong những năm qua, ASEANTOM đã triển khai nhiều dự án hợp tác hiệu quả với một số đối tác quốc tế như IAEA, EC, US. DOE… đặc biệt là dự án mạng lưới quan trắc phóng xạ cảnh báo sớm. Nhờ đó, Việt Nam nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung đã cùng nhau nâng cao năng lực khu vực trong lĩnh vực an toàn, an ninh, quan trắc và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. IAEA, EU, US.DOE đã tích cực hỗ trợ các quốc gia ASEANTOM trong việc đào tạo và phát triển nhân lực, kỹ thuật trong lĩnh vực hạt nhân, đảm bảo mục tiêu sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình luôn được giữ vững trong kế hoạch hành động của Mạng lưới ASEANTOM. Với tư cách là thành viên của ASEANTOM, Việt Nam sẽ ngày càng tích cực phối hợp, đóng góp cho các nỗ lực chung vì mục đích xây dựng Mạng lưới ASEANTOM ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 163

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)