Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 14/12, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 18,23 tỷ USD, tăng trưởng 11,5%, ngang với mức tăng trung bình của thế giới.
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Chiến lược đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo công thức C = SET + 1. Trong đó, C là chip bán dẫn; S là phát triển các loại chíp bán dẫn chuyên dụng (trong đó có chip AI chuyên dụng, chip IoT, chip cho thiết bị điện tử); E là công nghiệp điện tử (không có quốc gia "hoá rồng" nào mà không có ngành công nghiệp điện tử phát triển); T là nhân lực (Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trung tâm toàn cầu về nhân lực cho ngành bán dẫn, từ nhân lực mà hình thành công nghiệp); +1 là chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài để làm phong phú chuỗi cung về công nghiệp bán dẫn.
"Việt Nam là điểm đến an toàn cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Việt Nam bán sự an toàn cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cách đây 4 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ cùng đại diện các công ty bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư mà chủ yếu là theo hướng +1. Các công ty bán dẫn lớn đều có nhu cầu tìm thêm một điểm đến.
Điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược +1 nhằm thu hút đầu tư FDI ở đủ tất cả các khâu, các công đoạn của công nghiệp bán dẫn ở nước ta, tuy nhiên là FDI có điều kiện, tức là kèm theo việc sản xuất, lắp ráp phải đi với công nghiệp phụ trợ, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, chúng ta đã có định hướng và ưu tiên quốc gia thì từ 2025 phải tăng trưởng phải cao hơn thế giới ở lĩnh vực này.
Để triển khai Chiến lược một cách đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước, tháng 11/2024, Bộ TT&TT đã có văn bản hướng dẫn triển khai Chiến lược cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức thực hiện.
Hiện nay, 10 địa phương đã xây dựng Đề án hoặc kế hoạch triển khai chiến lược bao gồm: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Trị, Lai Châu, Phú Thọ, Gia Lai, Bình Phước.
Với Việt Nam, chuỗi cung ứng bán dẫn của chúng ta đang ở giai đoạn đầu, tập trung vào hai lĩnh vực chính: thiết kế chip và lắp ráp, đóng gói, kiểm thử.
Các đại biểu dự phiên họp -Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Một số vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong quá trình xây dựng Chiến lược và thực hiện công tác quản lý nhà nước về ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ TT&TT nhận định, còn một số vấn đề mà Ban Chỉ đạo cần chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã tác động tới môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam, đồng thời cũng tác động đến các doanh nghiệp đang hoạt động trong nước. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo sớm hoàn thiện, ban hành các chính sách, nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư; nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi Luật đầu tư vừa được Quốc hội ban hành về cơ chế hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi các quy định về xuất, nhập khẩu hàng hóa để giảm thời gian và chi phí luân chuyển hàng hoá. Bộ TT&TT đề nghị Ban chỉ đạo giao Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hoạt động mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp chế xuất hoạt động trong nước để giảm thời gian và thủ tục tương đương với các nước trong khu vực như Malaysia, Phillipine (chỉ còn 2 - 3h). Điều này sẽ làm giảm chi phí logistic và tăng sự hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Một số doanh nghiệp như Amkor kiến nghị rằng, giao hàng trong nước mất nhiều thời gian hơn xuất khẩu ra nước ngoài rồi nhập lại (xuất-nhập thì mất 8-36 giờ, giao nội địa thì mất tới 24-48). Amkor so sánh, giao hàng từ Amkor Việt Nam (Bắc Ninh) đến Bắc Giang mất thời gian hơn so với từ Amkor Hàn Quốc về Bắc Giang (dưới 24 giờ). Ở Philippines, giao hàng nội địa mất 2-3 giờ, trong khi Việt Nam kéo dài hơn 10 lần.
Về hạ tầng điện, nước phục vụ sản xuất, Bộ trưởng cho biết, theo kiến nghị của một số doanh nghiệp (dự kiến hoặc có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Amkor,…) cần đầu tư phát triển hệ thống cấp điện, nước đáp ứng đủ và ổn định theo yêu cầu sản xuất; hệ thống xử lý nước thải, chất độc hại bảo đảm bảo vệ môi trường.
Đặc biệt là cần ưu tiên đầu tư các nguồn điện xanh, điện tái tạo. Vì vậy, Bộ trưởng cũng đề nghị Ban chỉ đạo giao Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng và đầu tư, nâng cấp hạ tầng điện, cấp, thoát nước, xử lý môi trường phục vụ cho phát triển công nghiệp bán dẫn.
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng đề nghị giao nhiệm vụ cụ thể cho một số tập đoàn lớn của Việt Nam về phát triển công nghiệp bán dẫn, giống như giao xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên cho Viettel.
"Chúng ta cũng cần xây dựng ngay cơ sở dữ liệu về ngành bán dẫn Việt Nam, xây dựng ngay bộ tiêu chí đánh giá sự phát triển ngành bán dẫn Việt Nam và cần có kế hoạch hàng năm về công nghiệp bán dẫn, mà cụ thể là kế hoạch năm 2025", Bộ trưởng cho biết.