Chủ nhật, 22/12/2024 11:49 GMT+7

Việt Nam nghiên cứu, giải mã công nghệ hướng mục tiêu Net Zero

Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình khoa học công nghệ Net Zero nhằm tạo ra các giải pháp đột phá, chuyển giao công nghệ xanh, hướng đến nền kinh tế xanh.
Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói tại buổi công bố Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam (Chương trình khoa học công nghệ Net Zero, mã số KC.16/24 -30) tổ chức sáng 12/12.
Bộ trưởng kỳ vọng Chương trình là nền tảng, tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần. Ông mong muốn các Viện trưởng, doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ cùng nghiên cứu, giải mã, ứng dụng các công nghệ mới, chung tay để nghiên cứu đề xuất các chính sách thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Bộ trưởng cho biết, Chương trình khoa học công nghệ Net Zero là một trong những chương trình hành động mang tính kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương về việc hình thành ngay một Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia phục vụ trực tiếp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTTT
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Chương trình đặt ra ba mục tiêu chính. Thứ nhất, khuyến khích các nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.
Theo ông Linh, mặc dù Chính phủ có các khuôn khổ pháp lý, quy định chung để triển khai giảm phát thải. Tuy nhiên, cần thiết có các đề xuất chính sách mang tính cụ thể hơn như việc xây dựng các tiêu chuẩn cho quá trình đánh giá công nghệ xanh, sạch.
Thứ hai, các nghiên cứu hướng đến đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; phối hợp tổ chức quốc tế, nhà khoa học Việt ở nước ngoài đề xuất các giải pháp công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Theo ông Linh, hiện chưa có một tổ chức đủ năng lực, được công nhận quốc tế làm chứng nhận kiểm kê khí nhà kính tại các cơ sở sản xuất, góp phần thực hiện giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, chương trình đặt hàng đề xuất xây dựng các năng lực kiểm kê khí nhà kính.
Thứ ba, các đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng, giải mã, chuyển giao công nghệ; các giải pháp và kỹ thuật tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển công nghệ xanh, năng lượng mới, vật liệu mới... Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon. Điều này góp phần giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng.
Theo ông Linh, Chương trình khoa học công nghệ Net Zero sẽ cùng song hành với gần 20 chương trình khoa học công nghệ quốc gia khác do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Ông Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ các mục tiêu Chương trình KC.16/24-30, sáng 12/12. Ảnh: TTTT
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh yêu cầu Ban Chủ nhiệm và các cơ quan, tổ chức nghiên cứu có trọng tâm, xác định các nhiệm vụ ưu tiên có tính đột phá trong việc giảm phát thải khí nhà kính, phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, kinh tế tuần hoàn. Các nhiệm vụ cần được thiết kế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và có tính ứng dụng cao.
Ông cũng đề nghị các tổ chức nghiên cứu hợp tác với doanh nghiệp, địa phương, tổ chức quốc tế, đề xuất các nhiệm vụ mang tính liên ngành, liên vùng, nhiệm vụ hợp tác quốc tế... Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp cùng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng thực tiễn.

Nguồn: VnExpress

Lượt xem: 189

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)