Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nói tại lễ công bố các chương trình tài trợ năm 2024 của Quỹ VinIF chiều 20/12. "Quỹ VinIF với các tài trợ đã có nhiều đề tài khoa học xuất sắc", ông nói, thêm rằng kết quả này góp phần giúp các nhóm nghiên cứu có nhiều kết quả tích cực, đóng góp phát triển, kinh tế xã hội đất nước.
Thứ trưởng Duy đánh giá, sự thành công của VinIF trong 6 năm qua là điểm sáng, động lực cho các tập đoàn, doanh nghiệp khác chung tay hình thành quỹ tài trợ cho giới khoa học. Ông tin rằng, những kết quả nghiên cứu sau này theo một cách nào đó sẽ đóng góp vì sự phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nói sắp tới Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) sẽ phối hợp Quỹ VinIF hợp tác chia sẻ dữ liệu, bài báo, chuyên gia, nhà khoa học và cùng đồng tài trợ các đề tài, hướng tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phương Quỳnh
Quỹ VinIF do Tập đoàn Vingroup thành lập tháng 8/2018 thực hiện tài trợ các nhà nghiên cứu, tài năng trẻ thực hiện đề tài khoa học. Trung bình mỗi dự án được lựa chọn sẽ nhận được mức đầu tư từ 2-10 tỷ đồng. Kinh phí này dùng để hỗ trợ mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, được giải ngân và triển khai ngay trong năm xét chọn. Toàn bộ tài trợ phi lợi nhuận, nhà khoa học được giữ quyền sở hữu trí tuệ, các sản phẩm, giải pháp và kết quả nghiên cứu khác.
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Quỹ VinIF, cho biết Quỹ tạo cho các nhà khoa học cơ hội để sáng tạo mà không phải quan tâm thủ tục hành chính và các vấn đề "cơm áo gạo tiền" trong nghiên cứu. Ông mong muốn các nhà khoa học coi nghiên cứu là một nghề và đây là tư duy để khởi đầu cho sự nghiệp của họ. Tư duy này cần được truyền cảm hứng lan tỏa đến cộng đồng khoa học để nhiều nơi thực hiện.
Bà Trần Thu Huyền, Phụ trách quản lý Quỹ VinIF, cho biết quỹ tài trợ chấp nhận rủi ro về tiến độ và kết quả nghiên cứu. Nếu các dự án nghiên cứu có rủi ro, sẽ không phải hoàn trả lại tiền. Sau nghiên cứu, quyền sở hữu công nghệ được bàn giao cho tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án. "Quỹ có cơ chế giải ngân nhanh sau khi thống nhất các tiêu chí cần đạt để dự án bắt đầu triển khai, đáp ứng tính kịp thời nghiên cứu", bà Huyền nói. Quỹ cho phép bổ sung hạng mục chi phí lao động, xuất bản, đăng ký sở hữu trí tuệ... theo hướng mở đường dự án tập trung đạt kết quả nghiên cứu, không bận tâm về các thủ tục tài chính.
Đại diện Quỹ VinIF chia sẻ các chương trình tài trợ cho các dự án khoa học công nghệ tại sự kiện. Ảnh: BTC
Tại sự kiện Quỹ VinIF công bố tài trợ năm 2024 tổng kinh phí 100 tỷ đồng cho 7 dự án khoa học công nghệ, 7 dự án và 15 sự kiện văn hóa, lịch sử; 200 học bổng thạc sĩ, tiến sĩ; 60 học bổng sau tiến sĩ; 38 hội nghị, hội thảo, bài giảng đại chúng. Các đề án hợp tác đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu cũng tiếp tục được triển khai.
Trong số này có nhóm tác giả Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển thiết bị tự hành dưới nước AUV sử dụng công nghệ SONAR cho quan trắc ngầm và đo đạc các tham số môi trường biển. Dự kiến thiết bị sẽ được thử nghiệm ở các điều kiện cảng biển thực tế để đánh giá các chỉ tiêu, tham số kỹ thuật và các phương pháp thiết kế nhằm hoàn thiện các AUV thông minh tự hành dưới nước do Việt Nam làm chủ và chế tạo.
Nhóm tác giả trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM nghiên cứu, chế tạo chip trí tuệ nhân tạo cho các ứng dụng AIoT như nhận dạng khuôn mặt, biển số xe, phát hiện vật thể, ứng dụng y sinh (phát hiện PPG, phát hiện ung thư da). Nghiên cứu hướng đến đóng góp cho phát triển thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, tạo ra con chip "Made in Vietnam" và hình thành hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam.
Trong 6 năm VinIF đã tài trợ hơn 900 tỷ đồng cho khoa học công nghệ Việt Nam, trong đó hơn 630 tỷ đồng cho các nghiên cứu. Số còn lại tài trợ dưới dạng học bổng trợ cấp hàng tháng mức từ 120 triệu, 150 triệu và 360 triệu đồng cho các nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ. Quỹ cũng tài trợ tổ chức các hội nghị, hội thảo, bài giảng đại chúng tạo môi trường cho các nhà khoa học được kết nối, thảo luận học thuật.
Trong số hơn 3.500 nhà khoa học được nhận tài trợ thực hiện 124 dự án, tạo ra hơn 80 sáng chế trong nước và quốc tế, trên 600 công trình công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế uy tín, 350 sản phẩm các loại. Tỷ lệ dự án nghiệm thu đã thương mại hóa sản phẩm hoặc chuyển giao công nghệ và thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp là 22% và 34%. Quỹ phối hợp các đối tác tổ chức đào tạo khoảng 400 thạc sĩ trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.