Thứ năm, 26/12/2024 09:19 GMT+7

Xây dựng Luật thúc đẩy hệ thống nghiên cứu quốc gia

Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định nhiều điểm đột phá về tài chính, hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D).
Thông tin được Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, trao đổi tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự án Luật này hôm 25/12 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, một trong các điểm mới tại dự thảo Luật là các quy định về đầu tư và tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch lĩnh vực này hàng năm. Trong số này có cả kinh phí dự phòng cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong tình huống đột xuất, khẩn cấp.
Sửa đổi quy định về thực hiện cơ chế khoán chi trong triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Dự thảo Luật hoàn thiện quy định thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhiều quy định khác cũng "khơi thông" dòng chảy tài chính đối với Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, quỹ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hoạt động khoa học, công nghệ.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu nhiều điểm mới trong dự thảo Luật với kỳ vọng tạo cú hích trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: TTTT
Theo ông Duy, dự thảo Luật bỏ quy định yêu cầu đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với tất cả các tổ chức, thay vào đó chỉ quy định về việc thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức R&D. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức nghiên cứu mạnh và sàng lọc các tổ chức kém hiệu quả, phù hợp với mục tiêu tinh gọn bộ máy Nhà nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về tổ chức R&D công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư; bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức R&D công lập; bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bổ sung quy định về đạo đức nghiên cứu và trách nhiệm của các tổ chức R&D phải ban hành và thực thi các quy định về đạo đức khoa học.
Liên quan đến nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật mở rộng tới học viên thạc sĩ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ; cá nhân quản lý hoạt động này trong doanh nghiệp và trong các tổ chức khác. Quy định các chính sách ưu đãi phù hợp với từng đối tượng nhân lực hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Một trong những thay đổi ở dự thảo Luật lần này là quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do nhà khoa học là thành viên tạo ra. Đây được coi là quy định có tính đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để giúp nâng cao trình độ của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Thứ trưởng Duy cho biết thêm, các chương trình, nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu sẽ đổi mới cách thức triển khai theo hai phương thức: do Nhà nước đặt hàng và do tổ chức, cá nhân đề xuất để có cơ chế giao kết quả phù hợp. Động thái này nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Kinh phí sẽ được giao cho tổ chức chủ trì, không giao trực tiếp cho chủ nhiệm đề tài. Ngoài ra, việc sử dụng chung phòng thí nghiệm và các cơ chế hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu sẽ được khuyến khích để tối ưu hóa nguồn lực.
Đánh giá cao những điểm tiến bộ được đề cập trong dự thảo Luật, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất làm rõ vai trò và chức năng giữa các viện nghiên cứu và trường đại học để tránh trùng lặp. Cần phát triển nghiên cứu ứng dụng kết hợp với đào tạo, chú trọng đến việc liên kết nguồn nhân lực và tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn (phải) đánh giá cao những điểm mới được quy định tại dự thảo Luật. Ảnh: TTTT
Để sử dụng hiệu quả kinh phí hoạt động của các trường đại học, ông cho rằng cần thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ, đồng thời thống nhất các quy định về tài sản và tài trợ cho khoa học, công nghệ. Các nhiệm vụ và chương trình khoa học và công nghệ cần có sự liên kết giữa nhiều đơn vị và các cơ quan quản lý tài chính. Theo đó, việc đánh giá hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ và sử dụng kinh phí cần được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, làm rõ hơn vai trò của đổi mới sáng tạo trong các luật hiện hành. Về mặt pháp lý, cần quy định rõ các tổ chức R&D phi thương mại và các cơ chế thuế hỗ trợ, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển.
Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 14 chương và 83 điều; trong đó nhiều nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật năm 2013.
Theo kế hoạch Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Nguồn: VnExpress

Lượt xem: 151

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)