Thứ tư, 27/11/2024 14:49 GMT+7

Nỗ lực đưa kết quả nghiên cứu KHCN vào ứng dụng thực tiễn

Với sự đóng góp của Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hiện là đơn vị đứng đầu trong cả nước về sở hữu Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích; nhiều các kết quả nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng phát biểu tại sự kiện - Ảnh: VGP/GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tặng Bằng khen cho Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (2004-2024), GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã đánh giá cao, ghi nhận những nỗ lực trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của Ban.

Các đóng góp của Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ đã thúc đẩy sự gia tăng số lượng bằng độc quyền sở hữu trí tuệ của Viện Hàn lâm, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2018 - nay, Viện Hàn lâm luôn là đơn vị đứng đầu trong cả nước về sở hữu Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích; nhiều các kết quả nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế ghi nhận trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm là đơn vị "Dẫn đầu về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á" trong 2 năm liên tiếp 2020, 2021 do tổ chức Clarivate (Vương Quốc Anh) bình chọn.

GS.VS. Châu Văn Minh cho biết, hiện nay, Viện Hàn lâm đang tích cực xây dựng "Đề án tăng cường năng lực Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới" theo tinh thần Nghị quyết 45 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12.

Do đó, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề nghị Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ tiếp tục tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm để đưa các kết quả nghiên cứu KHCN tiên tiến vào ứng dụng thực tiễn; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình hợp tác với doanh nghiệp nhằm thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, giải quyết các vấn đề thực tiễn, như công nghệ AI, công nghệ bán dẫn, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ xử lý môi trường, nông nghiệp thông minh và bền vững .... ; xây dựng các chương trình nghiên cứu theo đặt hàng từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đảm bảo các giải pháp KHCN phù hợp với nhu cầu thực tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa; đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ để hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm, bảo đảm quyền lợi cho các nhà khoa học và đơn vị phát triển công nghệ...

PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ cho biết, thời gian qua, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Ban đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Giá trị hợp đồng dịch vụ, tư vấn thương mại hóa kết quả khoa học ngoài ngân sách nhà nước tăng mạnh, năm 2023 đạt 360 tỷ đồng, gần bằng 85 % so với số giá trị hợp đồng nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. 

Số lượng Bằng sáng chế tăng đều qua các năm, năm 2023 đạt 73 Bằng khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước và chiếm thị phần lớn bằng 60% so với tổng số bằng sáng chế của các trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước.

Ngoài ra, gần 40 thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ với các bộ ngành, địa phương và các tập đoàn đã được ký kết, tạo ra mạng lưới hợp tác rộng lớn, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung.

https://baochinhphu.vn/no-luc-dua-ket-qua-nghien-cuu-khcn-vao-ung-dung-thuc-tien-102241122192118513.htm

Nguồn: baochinhphu.vn

Lượt xem: 78

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)