Thứ sáu, 13/12/2024 08:35 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Chương trình Net Zero, hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Ngày 12/12/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ công bố và Hội thảo về “Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”, mã số KC.16/24-30 (Chương trình KH&CN Net Zero) nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với trọng tâm phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến, Chương trình KH&CN Net Zero sẽ hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Bộ KH&CN cũng kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và trường đại học để cùng đóng góp vào hành trình này, hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bấm nút khởi động Chương trình KH&CN Net Zero
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Chương trình không chỉ hướng tới phát triển công nghệ xanh và giảm phát thải khí nhà kính mà còn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Lễ công bố. 
Cam kết này được khẳng định bởi Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến công tác Hoa Kỳ vào tháng 9/2024: “Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với các công việc chung của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp tích cực, chủ động. Việt Nam được Liên hợp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Chương trình KH&CN Net Zero hướng đến việc tạo ra các giải pháp công nghệ mang tính đột phá, ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, giao thông, năng lượng tái tạo đến nông nghiệp thông minh. Điều này không chỉ giúp giảm đáng kể phát thải khí nhà kính mà còn tạo việc làm mới trong ngành công nghệ xanh, cải thiện chất lượng môi trường sống và bảo vệ đa dạng sinh học.
Tại sự kiện, Bộ KH&CN đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học tham gia đề xuất các nhiệm vụ KH&CN trong khuôn khổ Chương trình, với thời hạn đợt 1 là ngày 10/01/2025.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ kỳ vọng, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chung tay của cộng đồng KH&CN, doanh nghiệp, và các chuyên gia, chúng ta có thể đạt được những bước tiến lớn trong hành trình hướng tới một Việt Nam xanh, bền vững.
Chương trình là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa KH&CN trở thành nền tảng cốt lõi để thúc đẩy các mô hình tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển bền vững và chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định Công nghệ, đã giới thiệu các mục tiêu và nội dung chính của Chương trình. Ông nhấn mạnh, Chương trình không chỉ nhằm phục vụ trực tiếp các cam kết quốc tế của Việt Nam mà còn chú trọng vào nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ, giải mã, đổi mới, ứng dụng, và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, ông Linh đề cập đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn và nâng cao năng lực để giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định Công nghệ giới thiệu các mục tiêu và nội dung chính của Chương trình.
Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Chương trình KH&CN Net Zero tập trung vào ba mục tiêu trọng tâm: cung cấp luận cứ và cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; đề xuất các mô hình phát triển kinh tế - xã hội xanh, tuần hoàn, và phát thải các-bon thấp; đồng thời nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển các giải pháp kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững.
Ngoài ra, ông cũng trình bày về 8 nội dung cụ thể của Chương trình, từ nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đến phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến cho nhiều lĩnh vực như giao thông, xây dựng, nông nghiệp, và kiểm kê khí nhà kính.
Chia sẻ về kế hoạch triển khai Chương trình, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước bày tỏ, việc tổ chức thực hiện Chương trình sẽ tuân theo một mô hình quản lý khoa học, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, và doanh nghiệp. Ông cũng đưa ra các điều kiện để tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình, bao gồm các quy định pháp lý liên quan.
Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước chia sẻ về kế hoạch triển khai Chương trình.
Toàn cảnh Lễ công bố Chương trình Net Zero.
Tập trung vào cam kết quốc gia và các giải pháp thực tế
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình trong việc triển khai các giải pháp KH&CN để giảm phát thải khí nhà kính. Chương trình có vai trò then chốt trong việc tạo ra sự thay đổi toàn diện về chính sách và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Thứ trưởng, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, cùng sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học. Một trong những điểm nhấn quan trọng của Chương trình là cần đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lĩnh vực từ lý luận, chính sách, đến các giải pháp kỹ thuật, công nghệ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình không chỉ là giảm phát thải mà còn đảm bảo không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, không gây khó khăn cho quá trình phát triển sản xuất và năng suất lao động.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh, Chủ nhiệm Chương trình, đã giới thiệu chi tiết các giải pháp KH&CN hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Ông nhấn mạnh, Chương trình tập trung vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ xanh, công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon, cũng như các giải pháp quản lý, kỹ thuật tiên tiến trong các ngành công nghiệp chủ chốt như giao thông, xây dựng, nông nghiệp và năng lượng. Một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển các mô hình kinh tế xã hội xanh, tuần hoàn và cácbon thấp, kết hợp với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế phát triển bền vững. PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh cũng chia sẻ về việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, phần mềm và tiêu chuẩn kỹ thuật hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời khuyến khích các mô hình hạ tầng giao thông, nông nghiệp và đô thị thông minh, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Hội thảo cũng đã đề cập đến sự cần thiết phải hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam không chỉ cần tập trung vào các giải pháp nội địa mà còn phải mở rộng hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế, nhằm học hỏi các mô hình thành công và áp dụng những sáng kiến tiên tiến vào thực tiễn.
Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm công nghệ như thiết bị, quy trình công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền công nghiệp Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ môi trường.
Chương trình KH&CN Net zero là một chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều đối tượng và sự quyết tâm của toàn xã hội. Thực hiện thành công Chương trình không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân và bảo vệ môi trường trong tương lai.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.

Lượt xem: 451

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)