Thông tin nêu trong Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 14 với chủ đề "Vai trò của điện hạt nhân trong biến đổi khí hậu và kinh tế điện hạt nhân" tổ chức ngày 3/12 tại Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức thường niên từ năm 2010 đến nay để trao đổi và hợp tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm dừng dự án này. Theo TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên sâu là việc ưu tiên hàng đầu nếu Việt Nam tiếp tục chương trình điện hạt nhân. "Đây là yếu tố rất quan trọng và phải có một kế hoạch toàn diện và lâu dài", ông nói. Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị các chính sách, cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp quy hạt nhân...
TS Trần Chí Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Vinatom
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Takeshi Makigami cho biết điểm then chốt trong việc phục hồi sức mạnh kinh tế của Nhật Bản là nhu cầu về năng lượng. "Sẽ là tất yếu khi thực hiện một chiến lược quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng thúc đẩy quá trình phi carbon hóa và tăng cường sức mạnh thu nhập trong nước bằng cách chuyển đổi năng lượng", ông nói. Khác với các nguồn năng lượng hóa thạch như than và dầu, điện hạt nhân không tạo ra khí thải carbon trong quá trình sản xuất.
Ông cũng đề cập vấn đề phát triển nguồn điện hạt nhân gắn với mục tiêu phát triển bền vững thông qua tái chế uranium được đánh giá có tác động lớn trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên và cung cấp kinh tế tuần hoàn. Tái chế uranium không chỉ làm giảm lượng chất thải phóng xạ mà còn góp phần quan trọng để đạt được các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
"Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án điện hạt nhân của Việt Nam dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn đã có", ông Takeshi Makigami nói.
Ông Takeshi Makigami trình bài tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Vinatom
Diễn đàn sẽ kéo dài đến ngày 4/12 với các báo cáo về hoạt động của ngành điện hạt nhân trong nước của Nhật Bản và Việt Nam; giới thiệu về lò phản ứng cải tiến iBR, các hoạt động nghiên cứu liên quan đến Lò vừa và nhỏ (SMR) tại hai nước cũng như giới thiệu về Tình hình về việc phát triển các lò phản ứng tiên tiến.