Thứ sáu, 29/11/2024 14:47 GMT+7

Tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, thẩm định TC&QCKT

Chiều ngày 28/11/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT). Đây là dự án luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến TC&QCKT trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.
Toàn cảnh Phiên thảo luận.
Tại Phiên thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật TC&QCKT nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo đồng bộ với các luật liên quan và nội luật hóa các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. 
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần xem xét, bổ sung quy định về việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức thực hiện đánh giá sự phù hợp; rà soát và chỉnh sửa quy trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam; thiết lập hai tiêu chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn hội, hiệp hội, ngành hàng…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng khẳng định, không có sự chồng chéo giữa Luật TC&QCKT với các luật chuyên ngành khác về thủ tục công bố hợp quy.
Với đề nghị bỏ thủ tục công bố hợp quy, Bộ trưởng cho rằng, việc bỏ thủ tục công bố hợp quy sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế; đồng thời gây rủi ro, mất an toàn khi có những sản phẩm hàng hóa không có biện pháp quản lý chất lượng nào khác ngoài quy chuẩn kỹ thuật.
Về việc áp dụng phạm vi tiêu chuẩn cơ sở trong lĩnh vực chuyên ngành, Bộ trưởng cho biết, nếu mở rộng phạm vi áp dụng tiêu chuẩn cơ sở của cơ quan nhà nước, có thể dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện, lợi ích nhóm, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung làm rõ thêm quy định này.
Giải trình ý kiến đại biểu về doanh nghiệp đánh giá hợp quy dựa trên kết quả đánh giá sự phù hợp, dựa trên các quy chuẩn, Bộ trưởng nhất trí với ý kiến của đại biểu để bổ sung cơ chế hậu kiểm đối với mức độ rủi ro của sản phẩm.
Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu về bổ sung quy định về báo cáo đánh giá tác động của quy chuẩn để đảm bảo tính khả thi của quy chuẩn. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu bổ sung việc khuyến khích sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, cần nghiên cứu kỹ lưỡng những ý kiến tâm huyết của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội để tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc nội dung thảo luận.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 526

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)