Thứ ba, 12/11/2024 14:06 GMT+7

Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đến năm 2030: Bước đột phá cho giáo dục và đào tạo Việt Nam

Chương trình hướng tới phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi đối tượng người học, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; góp phần phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục tại Việt Nam.
Ngày 11/11/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học phục vụ xây dựng và hoàn thiện Khung Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đến năm 2030” (Chương trình). Hội thảo được diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Toàn cảnh Hội thảo.
Bước đột phá cho GD&ĐT Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao sự chỉ đạo của Bộ KH&CN trong vai trò là đơn vị chủ trì, quản lý trực tiếp Chương trình. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, với 46 đề tài được triển khai thực hiện, Chương trình khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020 đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong nghiên cứu khoa học giáo dục, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, ban hành chính sách giáo dục, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về Chương trình Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đến năm 2030, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Ban Chủ nhiệm Chương trình cần tiến hành rà soát các điểm mới trong Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 -NQ/TW ngày 4/11/2013 và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW để xây dựng và hoàn thiện Khung Chương trình phù hợp, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của thời đại. 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào những vấn đề then chốt, có tính ứng dụng cao để đảm bảo hiệu quả trong nghiên cứu và triển khai Chương trình. Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Khung Chương, tạo ra những thay đổi toàn diện và bền vững, nhằm đưa ra những bước đột phá về GD&ĐT trong giai đoạn tới. 
Theo Thứ trưởng, việc phê duyệt và triển khai các đề tài nghiên cứu từ nay đến năm 2030 cần được rà soát kỹ lưỡng, tập trung vào một số vấn đề lớn như thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ngành giáo dục và đào tạo; quản lý, triển khai đồng bộ hệ thống quản lý giáo dục... góp phần giải quyết các thách thức cốt lõi trong ngành giáo dục, đổi mới phương thức giảng dạy và học tập. Thứ trưởng cũng gợi ý việc học hỏi từ các mô hình nghiên cứu khoa học tiên tiến trên thế giới trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Khung Chương trình.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục Việt Nam 
Báo cáo tại Hội thảo, ông Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ KH&CN cho biết, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động phối hợp cùng Ban Chủ nhiệm xây dựng dự thảo Khung Chương trình; gửi công văn xin ý kiến tới các Bộ/ngành có liên quan; phối hợp cùng Bộ GD&ĐT và Ban Chủ nhiệm Chương trình xử lý các ý kiến góp ý của các Bộ/ngành và các đơn vị trực thuộc Bộ trước khi trình Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt. 
Ông Trần Quốc Cường khẳng định, đây là bước đi quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục Việt Nam; đáp ứng các yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. 
Ông Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên báo cáo tại Hội thảo.
GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT - Chủ nhiệm Chương trình cho biết, nội dung Khung Chương trình định hướng tập trung vào 6 nhóm nội dung nghiên cứu trọng tâm gồm: Luận cứ khoa học cho quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách giáo dục; Phát triển hệ thống, mạng lưới và mô hình giáo dục; Phát triển chương trình, đổi mới phương thức giảng dạy, kiểm tra đánh giá trong giáo dục; Các vấn đề về văn hoá và quản trị trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; Các vấn đề về giáo dục đại học; Dự báo và chiến lược phát triển giáo dục. 
Theo đó, mục tiêu của Khung Chương trình là cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách nhằm phát triển GD&ĐT; đề xuất được các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi đối tượng người học, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đến năm 2030 và các năm tiếp theo; góp phần phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục tại Việt Nam. Sản phẩm đầu ra của Khung Chương trình sẽ đóng góp vào quá trình đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. 
 
GS.TS. Lê Anh Vinh, Chủ nhiệm Chương trình báo cáo tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã thảo luận, đóng góp nhiều nội dung quan trọng vào bố cục, nội dung, mục tiêu... để củng cố thêm các căn cứ cho việc hoàn thiện xây dựng Khung Chương trình.
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Khung Chương trình đã bám sát Văn kiện, Nghị quyết của Trung ương; đồng thời nhấn mạnh, vai trò then chốt của GD&ĐT trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần chủ động phát huy tích cực vai trò của GD&ĐT; xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ tri thức; tập trung nghiên cứu giáo dục mầm non - giáo dục đại học - giáo dục nghề nghiệp...
Đồng quan điểm, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Chương trình cần phải giải quyết được các vấn đề thực tiễn, bám sát nhu cầu phát triển của đất nước. Các trường đại học phải đầu tư vào công nghệ cao; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, đặc biệt là đầu tư cho các trường đại học trọng điểm, nghiên cứu khoa học, tự chủ đại học, giáo dục STEM, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy, tăng cường đầu tư cho ngoại ngữ...
Đại diện Đại học Đà Nẵng bày tỏ nhất trí với Dự thảo Khung Chương trình; tuy nhiên, cần lưu ý một số nội dung quan trọng như quản lý hệ thống tri thức, nghiên cứu giáo dục so sánh... nhằm đảm bảo tính liên thông quốc tế và chuẩn hóa cao, toàn diện trong khoa học giáo dục. 
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo không chỉ làm rõ những điểm nghẽn cần gỡ trong Chương trình, mà còn thúc đẩy đổi mới phương pháp giáo dục một cách căn bản, tập trung vào chuyển đổi số, nâng cao vai trò của ngoại ngữ như ngôn ngữ thứ hai, và tăng cường nghiên cứu cơ bản về khoa học giáo dục.
Các nhà khoa học đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Liên quan đến các nội dung của Hội thảo, Bộ KH&CN cùng Ban chủ nhiệm Chương trình tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với nhóm vấn đề về giải pháp để hoàn thiện Dự thảo Khung Chương trình một cách toàn diện, khả thi và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 313

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)