Thứ tư, 06/11/2024 21:49 GMT+7
Sắp diễn ra Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ 2024
Đây là sự kiện quan trọng nhằm tổng kết kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trong giai đoạn 2022-2024 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Vùng), qua đó đề xuất giải pháp thúc đẩy KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trong thời gian tới.
Ngày 08/11/2024, tại Quảng Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2021-2025.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có Lãnh đạo Bộ KH&CN, Lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở KH&CN trong Vùng.
Tại Hội nghị các đại biểu sẽ trao đổi thảo luận về hoạt động KHCN&ĐMST của Vùng trong giai đoạn 2022-2024, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về KH&CN và thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST. Các địa phương sẽ nêu ra khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm quốc phòng, an ninh, và thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Qua đó đề xuất giải pháp thúc đẩy KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trong thời gian tới dựa trên Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tăng thu nhập tại Quảng Bình.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có vai trò kết nối kinh tế và giao thương, với diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm gần 30% diện tích của cả nước; bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260km), đồng thời sở hữu lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển và công nghiệp công nghệ cao. Các địa phương trong vùng đang tích cực phát triển các ngành công nghiệp chiến lược như sản xuất bán dẫn, chế tạo chip cùng với các dịch vụ tài chính, thương mại và logistics. Song song đó là đẩy mạnh ứng dụng KH,CN&ĐMST để hình thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), và năng lượng sạch. Những lĩnh vực công nghệ cao này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng cường kết nối giữa các địa phương, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm an ninh quốc phòng.