Thứ năm, 26/09/2024 09:02 GMT+7

Xã hội hoá các nguồn lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, với Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu liên tục tăng. Tuy nhiên, để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự lan tỏa và tạo ra bước ngoặt, cần có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN, với các chính sách và giải pháp đột phá tập trung vào ba lĩnh vực trọng yếu: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới.
Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”, chiều 25/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại chính sách với các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tham dự Phiên Đối thoại chính sách và đã chia sẻ thông tin về vấn đề xã hội hoá các nguồn lực cho KH,CN&ĐMST.
Phiên Đối thoại nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi trực tiếp, sâu rộng với Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng và giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TP.HCM cũng như vấn đề chiến lược quốc gia; đồng thời kiến nghị những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thực chất, dưới hình thức hỏi đáp. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành với các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước về định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, phát triển xanh, bền vững; cơ chế đặc thù cho KH&CN, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; các chính sách, đặc thù và bứt phá khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực trên…
Toàn cảnh Phiên đối thoại chính sách Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5.
Thủ tướng nhận định, chủ đề về chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rộng, vừa phù hợp tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của TP.HCM, vừa là chủ đề mang tính thời sự của quốc tế. Do đó, Diễn đàn có ý nghĩa với TP.HCM, với Việt Nam và với cả bạn bè, đối tác quốc tế.
Tạo chính sách đột phá cho KH&CN
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, với Chỉ số ĐMST toàn cầu liên tục tăng. Tuy nhiên, để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực sự lan tỏa và tạo ra bước ngoặt, cần có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN, với các chính sách và giải pháp đột phá tập trung vào ba lĩnh vực trọng yếu: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KH&CN thực hiện thể chế hóa chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Mục tiêu là xây dựng dự án Luật sửa đổi Luật KH&CN thành Luật KH,CN&ĐMST nhằm thể chế hóa tất cả các chỉ đạo liên quan đến chuyển đổi công nghiệp hóa cũng như phát triển dựa trên KH,CN&ĐMST thành quy định pháp luật. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, dự án Luật này sẽ mang lại sự thay đổi căn bản trong cách nhìn nhận và đối tượng điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định: Luật KH,CN&ĐMST sẽ xã hội hóa các nguồn lực cho KH&CN.
“Nếu trước đây, Luật KH&CN chủ yếu tập trung vào việc sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị công lập thực hiện dự án và nghiên cứu, thì dự thảo Luật lần này nhấn mạnh xã hội hóa các nguồn lực cho KH&CN. Hoạt động KH,CN&ĐMST sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ tại khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là ở các doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển năng lực hấp thụ, sáng tạo công nghệ và ĐMST. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí của mình để tìm hiểu, mua tri thức và bí quyết công nghệ, từ đó phát triển năng lực nội sinh”. Thứ trưởng Lê Xuân Định chia sẻ.
Hiện nay, doanh nghiệp được trích lập quỹ phát triển KH&CN, nhưng quy định hiện tại chưa đủ mạnh, dẫn đến việc doanh nghiệp chưa hoàn toàn tin tưởng vào việc sử dụng quỹ để đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Để tháo rào cản này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ KH&CN sửa đổi Nghị định 95 về cơ chế đầu tư tài chính cho KH&CN, nhằm tạo thuận lợi hơn cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp sẽ được phép sử dụng cho việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.
“Dự kiến, vào năm 2025, Bộ KH&CN sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật KH&CN theo hướng xã hội hóa, nhằm đưa doanh nghiệp trở thành nhân tố trung tâm trong quá trình tiếp nhận, làm chủ và sáng tạo công nghệ, từ đó thúc đẩy ĐMST và lan tỏa trong toàn bộ hệ thống chuyển đổi công nghiệp”, Thứ trưởng cho biết thêm.
Gỡ “nút thắt” trong phát triển thị trường KH&CN
Về phát triển thị trưởng KH&CN, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng Israel thành công trong lĩnh vực này nhờ việc đưa tất cả các nghiên cứu, dù từ tư nhân hay nhà nước ra thị trường dưới dạng hàng hóa. Tuy nhiên, đây là một nút thắt đối với chúng ta. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chuyển hóa thành sản phẩm hiện đang gặp rào cản từ Luật Quản lý tài sản công.
Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng cho rằng, việc sử dụng ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ nghiên cứu khiến tài sản hình thành từ những nhiệm vụ đó được quản lý như tài sản công, tương tự như một công trình xây dựng đã hoàn thành. Điều này không tính đến việc đầu tư của chúng ta đã kết tinh thành tri thức, trong khi việc quản lý, truyền bá và ứng dụng tri thức mới là yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&CN để sửa đổi Nghị định 70 về quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Chúng tôi đang nỗ lực để tháo gỡ vấn đề này, Thứ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, chỉ với một nghị định thì chưa đủ. Nếu không có sự thay đổi trong khái niệm quản lý tài sản công, các cơ quan và tổ chức nghiên cứu sẽ không thể sử dụng tài sản của mình để góp vốn vào các doanh nghiệp khởi nguồn, cũng như không thể ứng dụng tri thức và bí quyết công nghệ của mình để phát triển sản phẩm phục vụ xã hội.
Bên cạnh đó, còn một rào cản khác đến từ Luật quản lý công chức, viên chức, không cho phép viên chức tham gia lãnh đạo doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp. Điều này cản trở sự chuyển đổi nhân lực có kỹ năng và tri thức giữa các cơ sở nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để phát triển KH&CN, trước hết cần chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo khoa học cơ bản, làm nền tảng cho KH&CN. Do đó, Đảng đã xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển giáo dục, đào tạo là nền tảng quan trọng để phát triển KH&CN.
Chính phủ đã thể chế hóa nhận thức này qua các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách và chương trình cụ thể; đồng thời huy động nguồn lực cho phát triển KH&CN, đặc biệt là thị trường KH&CN. Các giải pháp cũng được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cơ chế và chính sách, nhằm xây dựng bộ máy quản lý KH&CN tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Các cơ chế, chính sách cần thiết để khuyến khích sự năng động và sáng tạo cũng sẽ được triển khai, với mục tiêu phục vụ lợi ích chung của quốc gia và dân tộc.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Lượt xem: 2178

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)