Thứ ba, 02/07/2024 14:28 GMT+7

Quản lý tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài hoạt động tại Việt Nam

Việc bổ sung quy định đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam để phù hợp với hội nhập quốc tế là cần thiết.
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngay 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ với nội dung cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Mỗi nhóm chính sách sẽ bao gồm các chính sách hoặc bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới.
Ngoài ra, bổ sung quy định đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam để phù hợp với hội nhập quốc tế (đặc biệt là cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)).
Xác định vấn đề bất cập
Hiện nay, trong Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP quy định không được yêu cầu tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành thử nghiệm hoặc chứng nhận sản phẩm, hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành kiểm định phải đặt tại lãnh thổ của mình; không được đưa ra yêu cầu bắt buộc các tổ chức đánh giá sự phù hợp nằm ngoài lãnh thổ phải mở văn phòng hoạt động trên lãnh thổ của bên đó; phải cho phép các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong lãnh thổ của các bên khác nộp hồ sơ để xác nhận rằng họ đã tuân thủ theo quy trình, tiêu chí và điều kiện khác mà bên đó yêu cầu để chấp nhận năng lực của các tổ chức này hoặc để cho phép họ tiến hành thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm hoặc tiến hành kiểm định.
Theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tổ chức chứng nhận nước ngoài phải thành lập Chi nhánh tại Việt Nam và thực hiện đăng ký theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP chưa quy định cụ thể đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam. Do đó, việc bổ sung quy định đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam để phù hợp với hội nhập quốc tế (các cam kết tại CPTPP, EVFTA, RCEP) là cần thiết.
Ảnh minh họa
Trước thực trang trên, có hai phương án đối với vấn đề này.
Phương án một: Giữ nguyên quy định như hiện nay tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.
Phương án hai: Bổ sung điều khoản quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam như sau:
“Điều 20a. Tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam.
Một là: Là tổ chức thuộc các quốc gia là thành viên tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Hai là: Trước khi thực hiện đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải thông báo trước 01 tháng về Bộ KH&CN.
Ba là: Sau khi thực hiện đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải báo cáo kết quả thực hiện về Bộ KH&CN.
Bốn là: Tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài có hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam không tuân thủ các quy định tại Điều này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Đánh giá tác động của các giải pháp
Phương án một sẽ không tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để tổ chức thực hiện, thúc đẩy hoạt động đánh giá sự phù hợp theo thông lệ quốc tế, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới do vẫn giữ các quy định hiện hành. Đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài khi thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam sẽ không phải mất thời gian nghiên cứu các quy định mới của Việt Nam để thực hiện.
Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại Việt Nam: không phải đầu tư nguồn lực, chi phí để nâng cao năng lực đánh giá sự phù hợp, cạnh tranh với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài.
Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là Nhà nước không có căn cứ để thống nhất quản lý đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam, phù hợp với hội nhập quốc tế.
Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài khi thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam, các kết quả đánh giá sự phù hợp chưa được thừa nhận tại Việt Nam do chưa có quy định cụ thể, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp, do các kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài khi thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam chưa được thừa nhận tại Việt Nam dẫn đến lãng phí về chi phí, nguồn lực, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Giải pháp này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, nghĩa vụ của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.
Trường hợp phương án hai, Nhà nước sẽ có căn cứ để thống nhất quản lý đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam, phù hợp với hội nhập quốc tế (các cam kết tại CPTPP, EVFTA, RCEP). Giải pháp này chỉ quy định trước khi thực hiện đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải thông báo trước 01 tháng về Bộ KH&CN và sau khi thực hiện đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải báo cáo kết quả thực hiện về Bộ KH&CN để theo dõi, quản lý, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới.
Giải pháp này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, tương thích với các điều ước quốc tế, phù hợp với nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài khi thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam, các kết quả đánh giá sự phù hợp được thừa nhận tại Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại Việt Nam, đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực đánh giá sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp, các kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài khi thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam được thừa nhận tại Việt Nam, giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phương án này hạn chế ở chỗ sẽ tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để tổ chức thực hiện, thúc đẩy hoạt động đánh giá sự phù hợp theo thông lệ quốc tế. Đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài khi thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam phải mất thời gian nghiên cứu các quy định mới của Việt Nam để thực hiện.
Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại Việt Nam phải đầu tư nguồn lực, chi phí để nâng cao năng lực đánh giá sự phù hợp, cạnh tranh với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài. Từ những phân tích nêu trên, Bộ KH&CN kiến nghị lựa chọn phương án hai là phương án sẽ đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế.
 

Nguồn: Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Lượt xem: 999

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)