Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết như trên tại Hội thảo khoa học “Đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước” do Bộ KH&CN tổ chức chiều ngày 12/6/2024, tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cầu nối giữa các nhà quản lý, cơ quan xây dựng chính sách với các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân là các đối tượng thực thi chính sách (tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN, chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN, cơ quan quản lý nhiệm vụ KH&CN) cùng trao đổi nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách phù hợp, hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Lê Xuân Định và các đại biểu tại Hội thảo.
Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống cơ chế, chính sách quản lý tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã được hình thành từ các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN. Qua quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN cũng đã có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, kết quả thực hiện xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN hiện nay còn gặp một số khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đặt ra yêu cầu thông qua hội thảo, nhiều góc nhìn đa chiều cần được mở ra thông qua sự lắng nghe và thấu hiểu: người xây dựng chính sách có cơ hội lắng nghe ý kiến của người trực tiếp thực thi, tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học và đặc thù hoạt động của lĩnh vực này để có thể hoàn thiện hệ thống chính sách phù hợp, hiệu quả hơn. Ngược lại, các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân áp dụng chính sách cũng có cơ hội hiểu thêm hệ thống pháp luật, nắm được sự khó khăn, trăn trở của những người xây dựng chính sách để chia sẻ và phối hợp thực hiện trong quá trình triển khai áp dụng.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo.
Bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã có bài tham luận trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, đồng thời đề xuất 07 nhóm vấn đề cần xin ý kiến về cách tiếp cận xử lý trong định hướng sửa đổi Nghị định.
Đại diện Bộ KH&CN trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính dựa trên phân tích về 05 vấn đề bất cập lớn trong quy định xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay đề xuất 06 nhóm ý tưởng tiếp cận để giải quyết bao gồm: giảm thiểu tối đa phạm vi điều chỉnh của Nghị định bằng cách chỉ hướng áp dụng các quy định pháp luật khác đã rõ, áp dụng nguyên tắc xử lý tài sản một lần ở “Đầu vào” hoặc “Đầu ra” của nhiệm vụ, tìm kiếm hình thức xử lý đơn giản và thực tiễn đối với các tài sản trang bị là vật tư tiêu hao và mang tính đặc thù, phân loại tài sản trang bị và tài sản hình thành theo tính chất đặc thù để xác định hình thức xử lý phù hợp, lựa chọn một phương pháp định giá tài sản duy nhất không tiềm ẩn nhiều kết quả bất đồng và xác định chủ thể ưu tiên chính trong quá trình xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi về các vướng mắc cụ thể trong thực tiễn đồng thời cũng đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước...
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ KHTC, Bộ KH&CN trình bày tham luận tại Hội thảo
Thứ trưởng Lê Xuân Định và các diễn giả trao đổi, thảo luận với đại biểu tại Hội thảo
Tiếp thu và ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách trong quản lý, xử lý tài sản hình thành từ các chương trình, nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp, hiệu quả hơn.