Nghiên cứu chế độ ăn đạt hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường trong nuôi cá Tra thương phẩm.
Kết quả điều tra tại 5 tỉnh, thành phố có diện tích và sản lượng nuôi cá Tra lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long cho thấy, tần suất cho cá Tra ăn phổ biến hiện nay là 2 lần/ngày đối với cá nuôi từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 5 và cho ăn 1 lần/ngày đối với cá nuôi hai tháng cuối trước khi thu hoạch. Thời điểm cho cá Tra ăn buổi sáng trong khoảng 8 - 9h, buổi chiều là 15 - 16h. Người nuôi cho cá ăn tới no theo nhu cầu của cá, tức cho ăn 100% nhu cầu của cá, cho ăn tất cả các ngày trong suốt quá trình nuôi.
Kết quả điều tra cũng cho thấy hiện nay người nuôi thay nước theo các tỷ lệ và số lần thay khác nhau tùy theo các giai đoạn nuôi, cụ thể là: 1 tuần/lần với tỷ lệ nước thay 30% tổng lượng nước trong ao trong thời gian nuôi cá 2 tháng đầu; thay nước 1 lần/ngày, tỷ lệ nước thay 35% trong thời gian 2 - 3 tháng giữa; thay nước 1 lần/ngày, tỷ lệ nước thay 45% đối với 2 tháng cuối trước khi thu hoạch. Kết quả nghiên cứu cho thấy tần suất, thời điểm, định lượng và phương pháp cho ăn không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá Tra nhưng có ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ tăng trưởng, hệ số chuyển đổi thức ăn và tỷ lệ thay nước.
Nghiên cứu trên ao 2000 m², áp dụng chế độ cho ăn của đề tài (cho ăn gián đoạn 7 ngày, nghỉ 1 ngày, khẩu phần ăn 80% nhu cầu no thỏa mãn) cho kết quả hệ số chuyển đổi thức ăn FCR=1,4, cá đạt cỡ thu hoạch trung bình 820g/con sau thời gian nuôi 7 tháng.
Khi áp dụng chế độ cho ăn của đề tài giảm được lượng nước thay 31,8% so với ban đầu. Hệ số tiêu thụ nước khi nuôi theo chế độ cho ăn tất cả các ngày trong suốt quá trình nuôi ở khẩu phần ăn đáp ứng 100% nhu cầu no thỏa mãn là 7156 m³/tấn cá tăng trọng, trong khi giá trị này đạt 4881 m³/tấn (giảm 31,8%) cá khi nuôi theo chế độ cho ăn gián đoạn 7 ngày, nghỉ 1 ngày, khẩu phần ăn 80% nhu cầu.
Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy chế độ cho ăn gián đoạn 7 ngày, nghỉ 1 ngày, khẩu phần ăn 80% nhu cầu no thỏa mãn có thể giảm được FCR từ 1,68 xuống còn 1,4 (giảm 16,7 %), lượng nước thay giảm 31,8% và tỷ lệ sống của cá Tra đạt 76,61 %, nâng cao hiệu quả kinh tế trên 16,7%.
Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17094/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.