Thứ bảy, 20/04/2024 10:41 GMT+7

Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia

Trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) của Việt Nam ngày càng phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Đây là ý kiến của ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) nêu lên tại Hội thảo khoa học về hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), KNST diễn ra ngày 19/4/2024, tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và ĐMST thế giới năm 2024 do Bộ KH&CN tổ chức.

Theo ông Phạm Hồng Quất, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ của khối tư nhân, Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ KNST. Mạng lưới hỗ trợ KNST đã và đang phát triển tương đối năng động và hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất báo cáo tại Hội thảo.

Dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, hệ sinh thái KNST của Việt Nam khá đều, bền vững và có hướng đi phù hợp với quốc tế về vốn, tài chính, kết nối và phát triển hệ sinh thái, phát triển thị trường, chính sách thể chế, văn hóa, tư duy...Với hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện nhằm hỗ trợ và phát triển hoạt động của mạng lưới hệ sinh thái KNST đã giúp hệ sinh thái KNST của Việt Nam ngày càng phát triển đồng bộ, tiếp tục cải thiện năng lực ĐMST và ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia đang hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập trung tâm KNST để kết nối các nguồn lực địa phương, vùng và quốc gia. Cũng theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, hiện Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó 11 startup được định giá trên 100 triệu USD và 3 startup được định giá trên 1 tỷ USD. Hiện đang có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa...

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số thách thức trong quá trình phát triển hệ sinh thái KNST ở Việt Nam như chất lượng của dịch vụ được cung cấp bởi trung gian cho các công ty khởi nghiệp có xu hướng thấp; có những khoảng trống tài chính của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, đặc biệt là doanh nghiệp KNST và các dự án dựa trên kỹ thuật, khoa học; thiếu nguồn lực nghiên cứu; các trường đại học bị giới hạn bởi việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ, thiếu kỹ năng và nguồn lực để chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu...


Toàn cảnh Hội thảo.

Để giải quyết những thách thức trên, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh, khi xây dựng chính sách về KNST cần lưu ý 5 nội dung sau: i) Cần thống nhất, đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách hiện đang quy định phân tán trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; ii) Bổ sung các quy định mới trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, thuộc thẩm quyền của Chính phủ; iii) Làm rõ khái niệm, nội hàm về ĐMST và KNST, phân biệt KNST, ĐMST với các chủ thể khác, thống nhất sử dụng các thuật ngữ trong hoạt động ĐMST và KNST; iv) Quy định về điều kiện, tiêu chí… đối với việc thành lập, hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ ĐMST và KNST; v) Tổng hợp, khai thác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có thành tích trong triển khai các hoạt động ĐMST và KNST.

Ông Phạm Hồng Quất bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tham vấn chính sách của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, doanh nghiệp... để chính sách thúc đẩy quy mô khởi nghiệp ĐMST hoàn thiện, đem lại hiệu quả khi áp dụng vào thực thiễn, hệ sinh thái KNST sẽ ngày càng lớn mạnh, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn tập trung thảo luận các nội dung: Tổng quan về ĐMST trong doanh nghiệp tại Việt Nam; công cụ đo lường ĐMST cấp ngành; hoạt động ĐMST và KNST.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1601

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)