Thứ tư, 03/04/2024 10:09 GMT+7
Viện Công nghệ xạ hiếm và Viện Công nghệ và Kỹ thuật gốm Hàn Quốc ký kết hợp tác
Vừa qua, Viện Công nghệ xạ hiếm (CNXH) và Viện Công nghệ và Kỹ thuật gốm Hàn Quốc (KICET) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác nghiên cứu, phát triển ứng dụng các nguyên tố đất hiếm và vật liệu gốm tiên tiến cho chất bán dẫn, điện tử, pin, thiết bị di động tiên tiến và các sản phẩm cơ khí.
Theo MOU, các lĩnh vực hợp tác có thể bao gồm: thăm dò nguyên tố đất hiếm và nguồn nguyên liệu gốm tiên tiến; công nghệ tách, tinh chế và sản xuất các nguyên tố đất hiếm; công nghệ tinh chế và sản xuất vật liệu gốm tiên tiến; ứng dụng nguyên tố đất hiếm và vật liệu gốm tiên tiến.
TS. Phạm Quang Minh, Viện trưởng Viện CNXH và TS. Yeon-Gil Jung, Chủ tịch KICET cùng ký MOU.
Hiện nay, nhu cầu đất hiếm cho công nghệ cao, công nghệ năng lượng mới tăng mạnh. Việc phát triển ứng dụng các nguyên tố đất hiếm và vật liệu gốm tiên tiến cho chất bán dẫn, điện tử, pin, thiết bị di động tiên tiến và các sản phẩm cơ khí khác là nhu cầu cần thiết của cả Hàn Quốc và Việt Nam. Do đó, cần được khai thác một cách hiệu quả và bền vững để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Viện CNXH là tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nguyên tố đất hiếm. Viện đã làm chủ các công nghệ xử lý cho các loại khoáng đất hiếm như bastnazite, xenotime, monazite, đất hiếm hấp phụ ion để thu nhận các nguyên tố đất hiếm riêng rẽ độ sạch cao, có giá trị cao. Viện KICET thành lập năm 2007, được biết đến là Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ gốm tiên tiến của Hàn Quốc cũng như trên thế giới, có nhiều đóng góp lớn cho các vấn đề vật liệu tiên tiến và cho sự phát triển quốc gia.
Đại diện hai bên và khách mời chụp ảnh lưu niệm.
Việc ký kết Biên bản ghi nhớ MOU sẽ là tiền đề để hai bên xây dựng chi tiết nội dung hợp tác sau này, đồng thời cũng đặt nền móng để phát triển hợp tác giữa hai Viện, góp phần mang lại sự phát triển cho hai Viện nói riêng và hai nước Việt Nam, Hàn Quốc nói chung.