Thứ năm, 28/12/2023 14:23 GMT+7

Cơ sở khoa học hướng tới thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia "Nghiên cứu đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập Công viên địa chất toàn cầu (CVĐC) UNESCO ở tỉnh Phú Yên”, mã số ĐTĐLCN. 05/21.
Đây là nhiệm vụ được Bộ KH&CN phê duyệt, do TS Nguyễn Văn Toàn làm chủ nhiệm; Viện Nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp, Nông thôn - Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là cơ quan chủ trì. Đề tài thực hiện từ ngày 01/03/2021 đến ngày 31/08/2023 với  mục tiêu chính là: Xác định rõ và đánh giá được giá trị di sản địa chất và các di sản khác ở tỉnh Phú Yên; Xây dựng được luận cứ khoa học cho hồ sơ thành lập CVĐC toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên.
 
TS. Nguyễn Văn Toàn trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu và kết quả của nhiệm vụ.
Báo cáo tại phiên họp, TS. Nguyễn Văn Toàn cho biết ở nước ta có 3 CVĐC được UNESCO vinh danh nằm trong mạng lưới 195 công viên địa chất toàn cầu UNESCO thuộc 48 quốc gia là Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), CVĐC Non nước - Cao Bằng (Cao Bằng) và CVĐC toàn cầu Đắk Nông (Đắk Nông). Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các khu vực sau khi được công nhận là CVĐC toàn cầu đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển du lịch, gia tăng nguồn thu, cải thiện thu nhập, từ đó góp phần bảo tồn và phát triển bền vững di sản địa chất và di sản khác tại các địa phương có danh hiệu.
Ngoài 3 CVĐC nói trên còn nhiều khu vực có tiềm năng thành lập CVĐC quốc gia, hướng tới thành lập CVĐC toàn cầu UNESCO, trong đó có khu vực ven biển Phú Yên, là khu vực có sự đa dạng về cấu trúc địa chất, thạch học, địa hình, địa mạo đã tạo nên nhiều cảnh quan hấp dẫn, kỳ vĩ. Đồng thời là nơi hội tụ của các đới kiến tạo, có lịch sử phát triển lâu đời từ tiền Cambri đến ngày nay. Cùng với sự tham gia của hầu hết các quá trình địa chất như magma (xâm nhập, phun trào), biến chất; trầm tích (sông, hồ, biển, gió); các hoạt động kiến tạo như nén ép, tách giãn với các hệ thống đứt gãy, khe nứt theo nhiều phương khác nhau kết hợp với sự chạm khắc của quá trình ngoại sinh (phong hóa, bóc mòn, mài mòn, vận chuyển vật liệu sông suối, biển gió…) để lộ ra sự đa dạng của các hệ tầng tạo nên tính đặc thù của cảnh quan và địa hình khu vực. Một số thắng cảnh nổi tiếng được công nhận như đầm Ô Loan, gành Đá đĩa, vịnh Xuân Đài. Những điểm lộ đá bazan dạng cột, các đá biến chất, đá phun trào là những di sản đá mang đậm giá trị khoa học địa chất, độc đáo và thẩm mỹ. Bên cạnh các di sản địa chất còn có nhiều di tích văn hóa vật thể, phi vật thể, khảo cổ và sự đa dạng về sinh học có giá trị làm nên giá trị của khu vực, xứng đáng được thành lập CVĐC. 
Nhiệm vụ đã thu được những kết quả đáng ghi nhận như sau: đánh giá giá trị Di sản địa chất và các di sản khác ở tỉnh Phú Yên; đánh giá triển vọng thành lập CVĐC toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên; tổng hợp định hướng, đề xuất giải pháp bảo tồn, quản lý, khai thác và phát triển bền vững di sản địa chất và các di sản khác; bộ cơ sở dữ liệu (kèm theo Báo cáo kết quả nghiên cứu xác định cấu trúc, nội dung thông tin, biên tập và xây dựng cơ sở dữ liệu) về di sản địa chất và các di sản khác khu vực dự kiến thành lập CVĐC toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên bao gồm dữ liệu không gian với 5 bản đồ: Bản đồ phân bố di sản địa chất; Bản đồ phân bố di sản văn hóa vật thể; Bản đồ phân bố di sản văn hóa phi vật thể; Bản đồ định hướng du lịch địa chất, văn hóa lịch sử; Bản đồ phân bố hệ sinh thái. Ứng dụng phần mềm hỗ trợ quản lý khai thác cơ sở dữ liệu. 
 
Di sản cổ môi trường (Kiểu C) ngấn nước biển cổ chân núi Mù U.
 
Đá mạch xuyên đá biến chất hệ tầng Phong Hanh.
 
 Di sản đá (Kiểu D)- Bazan cột thác vực Song, xã An Lĩnh, huện Tuy An.
 
Di sản địa mạo (Kiểu C) - Vịnh Xuân Đài.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá những đóng góp của chủ nhiệm và cơ quan chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học; về chủng loại, số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng, đáp ứng được mục tiêu. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài với mức "Đạt". Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung góp ý và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.
 
Toàn cảnh phiên họp.
 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 786

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)