Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết như trên tại “Hội thảo tiểu vùng Đông Nam Á về phát triển thành phố thông minh xanh, an toàn” do Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông châu Á - Thái Bình Dương (APCICT), Hội đồng Nghiên cứu KH&CN quốc gia Hàn Quốc (NST), Viện Công nghệ xanh quốc gia Hàn Quốc (NIGT), Viện Kỹ thuật dân dụng và Công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT) tổ chức ngày 7/12/2023 tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết về công nghệ giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu; công nghệ hóa học xanh tiên tiến để giảm thiểu và sử dụng khí nhà kính; xây dựng năng lực về bảo mật và quyền riêng tư thông tin cho thành phố thông minh, an toàn; trao đổi kinh nghiệm và bài học về phát triển thành phố xanh, thông minh và an toàn; xây dựng các đề xuất chiến lược/chính sách liên quan đến công nghệ để phát triển thành phố xanh, thông minh và an toàn.
Theo các chuyên gia, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu nên các nước Đông Nam Á đang tham gia vào các nỗ lực quy hoạch đô thị tạo ra các thành phố mới với công nghệ xanh, thông minh, an toàn.
Khi ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, các quốc gia cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các hình thức tấn công hệ thống thông tin khác nhau, bao gồm xâm nhập, khủng bố và tội phạm mạng. Xây dựng thành phố thông minh cũng hướng đến đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng xanh, sạch, ứng dụng KH&CN để sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Vì vậy, quy hoạch thành phố cần nhấn mạnh đến sự phát triển xanh, an toàn và thông minh ở tất cả các quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lee Sang-Hyup, Chủ tịch Viện Công nghệ xanh quốc gia (Hàn Quốc) cho biết, biến đổi khí hậu là một thách thức môi trường cấp bách. Chính vì thế, phát triển xanh là cứu cánh cho trái đất. Những vấn đề như trung hòa carbon cần dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. Công nghệ có thể giúp giảm thiểu phát thải nhà kính cũng như ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế là hết sức cấp bách.
"Nỗ lực của một quốc gia, một thành phố là không đủ, chúng ta cần phải hợp tác với nhau để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính. Hàn Quốc cũng như Việt Nam cần tạo ra những cơ hội để có thể cùng hợp tác, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau", TS. Lee Sang-Hyup nhấn mạnh.
Chủ tịch Viện Công nghệ Xanh quốc gia Hàn Quốc - TS. Lee Sang-Hyup phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Hội thảo diễn ra trong thời điểm rất ý nghĩa, đó là sau khi hội nghị COP28 vừa diễn ra. Tại Hội nghị, Việt Nam tham gia cam kết làm mát toàn cầu, Việt Nam cũng công bố kế hoạch huy động nguồn lực để triển khai chuyển đổi năng lượng công bằng.
Để thực hiện các hoạt động này chắc chắn phải bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và cần sự đồng hành, nỗ lực rất lớn của các chuyên gia ở nước ngoài, nhất là Hàn Quốc - đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Thời gian qua, lãnh đạo Viện VIKTS cùng các đồng nghiệp đã đưa nhiều nhà khoa học, chuyên gia từ các viện nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp của Hàn Quốc đến Việt Nam. Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn thời gian tới, bên cạnh việc hợp tác thúc đẩy để đưa Viện VKIST thành Trung tâm hợp tác khoa học, công nghệ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, cần hợp tác thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
Theo đó, cần nhanh chóng thành lập tại Viện VKIST một Trung tâm công nghệ về chuyển đổi xanh, góp phần triển khai các chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam một cách mạnh mẽ trong việc tìm kiếm, phát triển, đưa vào ứng dụng các công nghệ chuyển đổi xanh, cũng như thúc đẩy hợp tác nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc, thúc đẩy nghiên cứu chính sách, cơ chế triển khai các chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST cho biết, trong thời gian qua, VKIST đã đạt được một số kết quả trong nghiên cứu phục vụ cuộc sống, hướng đến chuyển đổi xanh.
PGS.TS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST trao đổi tại Hội thảo.
Theo báo cáo của VKIST, trong 9 tháng năm 2023, VKIST đã triển khai 16 nhiệm vụ KH&CN các cấp và chú trọng thúc đẩy các nhiệm vụ nghiên cứu chung hợp tác với đối tác nước ngoài và doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ môi trường.
Ngoài ra, VKIST đang triển khai phối hợp thực hiện 6 nhiệm vụ hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, cảm biến sinh học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường năng lượng và nghiên cứu chính sách về KH&CN. Viện đã phát triển được 10 công nghệ ở mức độ sẵn sàng chuyển giao và 8 công nghệ đang ở giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện.
Tại Hội thảo diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa NIGT và VKIST.
Hiện nay, VKIST đang từng bước thiết lập mạng lưới kết nối các doanh nghiệp tiềm năng xoay quanh các hướng nghiên cứu chính của VKIST - nghiên cứu dựa theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời kết nối chặt chẽ với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thực hiện các nghiên cứu KHCN, đặc biệt những nghiên cứu của VKIST sẽ bắt kịp được với xu hướng công nghệ, dòng chảy công nghệ…