Thứ tư, 18/10/2023 15:09 GMT+7

Ngành năng lượng Việt Nam - triển vọng và thách thức

Ngành năng lượng Việt Nam hiện nay phát triển trong tất cả các khâu: thăm dò, khai thác, chế biến, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng. Điều đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, trạng thái an ninh năng lượng chưa được đảm bảo, dự trữ quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá so với thị trường thế giới.
Dựa trên thực trạng đó, ngày 12/10/2023 tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV - Đài tiếng nói Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam” với sự tham vấn từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm thảo luận, trao đổi về hiện trạng, tiềm năng phát triển năng lượng tại Việt Nam trong tương lai.
 
Diễn đàn cũng thảo luận, đóng góp thêm các kiến nghị, đề xuất về chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong giai đoạn tiếp theo.
 
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.
 
PGS.TS. Phạm Hoàng Lương báo cáo chuyên đề “Chuyển đổi điện tái tạo thành các sản phẩm năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0”.
 
TS. Chử Đức Hoàng với bài trình bày “Từ năng lượng truyền thống đến năng lượng sạch: vai trò của đổi mới công nghệ”.
Bên cạnh các nguồn năng lượng có sẵn như: điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện, điện than, Việt Nam còn là một trong những nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm nguồn năng lượng tái tạo mới như: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển, điện gió ngoài khơi. Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có này thì nước ta cần phải có những chính sách khuyến khích mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới; cung cấp cơ hội thích hợp cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính. Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.
Viện Công nghệ xạ hiếm là một đơn vị nghiên cứu khoa học và ứng dụng trực thuộc Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam. Một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng của Viện là Nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu tiên tiến, vật liệu nanomet và vật liệu gốm cao cấp ứng dụng xử lý môi trường và năng lượng sạch. Trong thời gian tới Viện Công nghệ xạ hiếm cũng sẽ triển khai nghiên cứu khai thác một số nhiệm vụ quan trọng để đóng góp, thúc đẩy quá trình sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng sạch giai đoạn 2016 - 2021 tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ Việt Nam.

 

Nguồn: Viện Công nghệ xạ hiếm

Lượt xem: 2200

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)