Ngày 13/10/2023, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo Tổng kết thi hành Luật KH&CN và đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung. Đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN chủ trì Hội thảo.
Nhiều kết quả sau 10 năm thi hành Luật
Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực KH&CN, Luật KH&CN năm 2013 đã thể chế hoá những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế.
Báo cáo tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, để triển khai Luật KH&CN, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành: 9 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 51 Thông tư. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành 534 văn bản.
Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật KH&CN đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Hành lang pháp lý về KH&CN ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp nâng cao chất lượng tăng trưởng; các quy định về tổ chức KH&CN, trọng dụng, sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN, quản lý nhiệm vụ KH&CN được hoàn thiện; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hội nhập quốc tế...
Cơ chế quản lý hoạt động của các tổ chức KH&CN được đổi mới cơ bản với chủ trương chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành doanh nghiệp KH&CN. Chính sách về sử dụng, trọng dụng và đào tạo nhân lực KH&CN được đổi mới cơ bản thông qua những ưu đãi trong tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh, nâng lương vượt bậc, thăng hạng chức danh không qua thi và không phụ thuộc vào thâm niên công tác, dựa trên những thành tích, kết quả cụ thể của cá nhân hoạt động KH&CN... Các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm theo đề xuất để thực hiện các hoạt động của nhóm nghiên cứu xuất sắc...
Nhiệm vụ KH&CN đã đổi mới theo hướng nâng cao tỷ lệ nhiệm vụ trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh và thương mại hoá sản phẩm, các loại hình nhiệm vụ KH&CN được đa dạng hoá theo hướng: hình thành các chương trình quốc gia lớn, dài hạn, đa mục tiêu; các chương trình KH&CN chuyên sâu, các chương trình KH&CN phục vụ phát triển vùng lãnh thổ, vùng kinh tế trọng điểm; các đề tài độc lập, dự án quy mô lớn; nhiệm vụ nghiên cứu tiềm năng... đã tạo ra các kết quả đột phá thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, giải quyết các vấn đề lớn của đất nước.
Toàn cảnh Hội thảo.
Thị trường KH&CN phát triển mạnh mẽ, từng bước phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh và đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ (Techconnect), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến (Techmart online), công tác hỗ trợ các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu công nghệ tiếp tục triển khai hiệu quả.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư, đặc biệt từ nguồn ngoài nước. Cả nước hiện có hơn 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Những năm gần đây, số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam liên tiếp tăng trưởng cao với số vốn đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo. Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) đã trở thành sự kiện thường niên lớn nhất của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội tổ chức...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Luật KH&CN cũng gặp những khó khăn, vướng mắc do một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của các luật liên quan, dẫn đến chưa thúc đẩy phát triển KH&CN với vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Ví dụ như quy định về tổ chức KH&CN công lập còn chưa thể hiện khả năng tự chủ của tổ chức; quy định các chức danh về KH&CN chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn; quy định về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN còn nhiều bất cập... Đồng thời, Luật KH&CN năm 2013 cũng chưa có quy định về quản lý hoạt động ĐMST - Đây là chức năng quản lý nhà nước của Bộ KH&CN được Thủ tướng giao nhiệm vụ tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP mới đây.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động KH,CN&ĐMST
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật KH,CN&ĐMST; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong gần 10 năm thi hành cũng như những bất cập nảy sinh giữa quy định của Luật KH&CN với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành gần đây.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Từ đó, hoàn thiện thể chế theo hướng thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các quy định về KH,CN&ĐMST bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng cũng gợi mở nhiều nội dung quan trọng để các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến cho các nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật KH&CN.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, có 6 nhóm chính sách Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: (1) Hoàn thiện quy định thành lập và hoạt động của tổ chức KH&CN, tăng cường quản lý và nâng cao vai trò của tổ chức KH&CN; (2) Hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động KH&CN; Bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các chính sách ưu đãi; (3) Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ KH&CN; (4) Sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KH,CN&ĐMST; (5) Thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp ĐMST; (6) Hoàn thiện quy định hội nhập quốc tế về KH&CN.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực tiễn, những kinh nghiệm của quốc tế, đồng thời đề xuất các ý tưởng, nội dung cần sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện chính sách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động KH,CN&ĐMST.
Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, Luật KH&CN cần được đổi mới theo hướng xác định rõ những tác động, tầm ảnh hưởng, tính lan tỏa của nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thực sự cho sự phát triển của KH,CN&ĐMST; rà soát định nghĩa các cấp độ nghiên cứu; có các quy định cụ thể hơn về ĐMST; có chế tài quy định phát triển KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp nhà nước...
Thời gian qua, Bộ KH&CN và các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được và các hạn chế, bất cập của Luật KH&CN cũng như các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật trong quá trình thực hiện. Bộ KH&CN cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia. Các ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo Tổng kết thi hành Luật KH&CN và đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung là cơ sở quan trọng để Bộ KH&CN nghiên cứu trong quá trình triển khai xây dựng dự án Luật KH&CN sửa đổi, bổ sung thời gian tới.