Thứ năm, 28/09/2023 14:48 GMT+7

Diễn đàn Khoa học về Đổi mới hạt nhân phục vụ Net Zero

Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 67 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Diễn đàn Khoa học về Đổi mới hạt nhân phục vụ Net Zero đã diễn ra từ ngày 26 - 27/9/2023 tại Trung tâm Quốc tế Vienna, Áo. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các Diễn đàn Khoa học về Năng lượng hạt nhân ứng phó biến đổi khí hậu nhằm thể hiện vai trò và ý nghĩa của công nghệ hạt nhân đối với các vấn đề môi trường hiện nay. Ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA đã phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Diễn đàn có sự góp mặt của Ông Nana Akufo-Addo - Tổng thống Ghana; Bà Jennifer Granholm - Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ; Ông Lee Jong-Ho - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin (MSIT) Hàn Quốc; Bà Leila Benali - Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng và Phát triển Bền vững Vương quốc Maroc; Ông Daniel Westlén - Thứ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Thụy Điển; Ông François Jacq - Tổng Giám đốc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA) Pháp và nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến từ các quốc gia trên thế giới. TS. Trần Bích Ngọc - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Diễn đàn.
 

Ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA, phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Công nghệ hạt nhân có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và IAEA hỗ trợ các nước sử dụng khoa học hạt nhân để giảm thiểu, giám sát và thích ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Năng lượng hạt nhân có thể giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các ứng dụng khác của khoa học và công nghệ hạt nhân có thể giúp các quốc gia theo dõi tác động của biến đổi khí hậu, từ đó kịp thời đưa ra các giải pháp, chiến lược phát triển phù hợp với những biến đổi đó. Tại Diễn đàn, các chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đã nêu bật vai trò của công nghệ lò phản ứng hạt nhân mới trong việc sản xuất năng lượng; khám phá tầm quan trọng của sự đổi mới như trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa, robot và công nghệ sản xuất tiên tiến trong việc hỗ trợ phát triển hạt nhân; giới thiệu cách sử dụng công nghệ hạt nhân để giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các ứng dụng công nghiệp và các lĩnh vực khác.

Diễn đàn khoa học năm nay tập trung thảo luận về những đổi mới trong công nghệ hạt nhân giúp thay thế nhanh chóng các công nghệ sản xuất năng lượng dựa trên hóa thạch, bảo đảm an toàn, đáng tin cậy và phát thải cacbon thấp, hướng tới việc đạt được “Net Zero”. Diễn đàn bao gồm 3 phiên họp theo các chủ đề: Công nghệ lò phản ứng hạt nhân mới trong sản xuất năng lượng; Các giải pháp đổi mới hỗ trợ phát triển công nghệ hạt nhân; Năng lượng hạt nhân vượt xa sản xuất điện.
 

Toàn cảnh Diễn đàn Khoa học về Đổi mới Hạt nhân phục vụ Net Zero.

Kết thúc Diễn đàn, các chuyên gia đã có phiên thảo luận cấp cao, nhấn mạnh những vấn đề trọng tâm đã thảo luận và rút ra kết luận cho các nước thành viên và IAEA; đồng thời đưa ra giải pháp tận dụng tối đa tiềm năng của năng lượng hạt nhân hướng tới phát thải cacbon “Net Zero”.

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)