Thứ sáu, 22/09/2023 16:28 GMT+7

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong chăm sóc sức khỏe

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (BigData) đang được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực y tế, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán, theo dõi bệnh lý, đồng thời tránh được những sai sót ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân và tối ưu chi phí cho cơ sở y tế cũng như bệnh nhân.

Chiều 21/9/2023, trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam  đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”. Các diễn giả và đại biểu tham dự đã làm rõ vai trò, tác động của AI và BigData đối với lĩnh vực y tế, những khó khăn, giải pháp khắc phục...

AI trong chăm sóc sức khỏe

Ứng dụng AI trong việc khám, chữa bệnh đang là xu thế chung của toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngành y tế đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ AI giúp cải thiện và nâng cấp các hoạt động chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Những cải tiến mới của các thiết bị AI sẽ bổ sung và hoàn thiện cơ sở vật chất cho các bệnh viện, giảm đáng kể khối lượng công việc cho các bác sĩ đồng thời tăng số lượng bệnh nhân được chữa trị.

AI giúp nâng cao khả năng chẩn đoán bệnh và diễn biến của các biến chứng có thể cải thiện đáng kể kết quả chữa trị, ngay cả những căn bệnh hiểm nghèo. Các thuật toán cùng khả năng tổng hợp dữ liệu phức tạp cho phép thiết bị AI đưa ra các liệu pháp điều trị phù hợp với cấu trúc gen của mỗi bệnh nhân, chi phí chữa trị cũng sẽ giảm đáng kể. Theo các chuyên gia, dùng AI trong phẫu thuật giúp tăng tỷ lệ thành công cho mỗi ca. Robot không chỉ hỗ trợ quá trình thực hiện mà còn phân tích dữ liệu của bệnh nhân, đưa ra những giải pháp ứng phó hiệu quả nhờ kỹ thuật học sâu.

Bên cạnh đó, AI còn giúp quản lý hồ sơ y tế và cơ sở dữ liệu, theo dõi sức khỏe, tư vấn và quản lý dược phẩm... Có thể sử dụng AI để tư vấn y tế dựa trên lịch sử y tế cá nhân và kiến thức y học thông thường. Bệnh nhân có thể báo cáo các triệu chứng của họ vào ứng dụng, sau đó sử dụng nhận dạng giọng nói để so sánh với các cơ sở dữ liệu về bệnh tật sẵn có. Sau đó ứng dụng sẽ cung cấp những hành động đề xuất tới lịch sử tài khoản y tế của người dùng.
 


Chuyên gia báo cáo tham luận tại phiên thảo luận.

Các chuyên gia cho rằng, ngày nay, một xu thế mới về ứng dụng AI và giải mã gen trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang được thế giới quan tâm. Ứng dụng giải mã gen trong chẩn đoán bệnh có vai trò đặc biệt quan trọng như tìm đúng bác sỹ chuyên khoa cho vấn đề họ đang gặp phải, chỉ ra cách dùng thuốc và lên kế hoạch điều trị, cải thiện hướng chữa bệnh cho bệnh nhân, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Gần đây với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã tạo ra nhiều sự biến đổi, trong đó có lĩnh vực y tế mà cụ thể là thay đổi, phát triển phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh thông qua giải mã gen.

Nhưng AI không thay thế hoàn toàn con người

Tại phiên thảo luận, ông Lee Byung Jun - chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã trình bày tham luận “Tăng cường sự chủ động chăm sóc sức khỏe với AI”; TS. Hoàng Hồng Thắm, Công ty cổ phần GeneStory - một trong những đơn vị hàng đầu Việt Nam và khu vực về phát triển các giải pháp công nghệ gen đã chia sẻ về “Ứng dụng AI trong xét nghiệm gen ở Việt Nam”...

Qua tham luận và tọa đàm, các đại biểu đã có góc nhìn trực quan hơn về thực trạng, xu hướng, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình ứng dụng công nghệ AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, ứng dụng giải mã gen trong điều trị và chăm sóc sức khỏe là xu hướng chung của thế giới, hiện thị trường giải mã gen thế giới cũng rất lớn. Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... việc ứng dụng AI vào giải mã gen trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng có vai trò quan trọng, tuy nhiên, trên thế giới việc ứng dụng giải mã gen cũng gặp không ít thách thức.
 

Toàn cảnh phiên thảo luận.

TS. Hoàng Hồng Thắm chia sẻ, hiện GeneStory đã ứng dụng AI, đưa ra nhiều giải pháp bao gồm cả phòng ngừa, tầm soát ung thư. Ở mức độ nào thì giải mã gen cũng sẽ giúp một phần trong việc cá thể hóa điều trị. Việc này nhằm giúp ích cho người bệnh cũng như tăng số lượng lượt điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bà Thắm cho rằng việc áp dụng AI cũng như BigData vào việc giải mã gen ở Việt Nam có các thách thức chính: vấn đề đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho các bác sĩ và nhân viên y tế từng bước nắm bắt các công nghệ mới; tài trợ cho các dự án nghiên cứu. Hiện nay, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) cũng như Quỹ của Vingroup đã hỗ trợ nhiều cho các dự án, tuy nhiên thực hiện một dự án nghiên cứu về y sinh học đúng nghĩa còn nhiều thách thức. Cùng với đó, để chính xác hệ thống gen của người Việt, cá nhân hóa phác đồ điều trị cho người, chúng ta cần làm chủ công nghệ lõi để phân tích dữ liệu lớn.

Nhiều vấn đề thách thức khác cũng đã được đặt ra, trong đó nền tảng để ứng dụng được AI chính là dữ liệu. Trong lĩnh vực y tế, việc khai thác cơ sở dữ liệu liên thông của các cơ sở y tế cũng đang là hạn chế và thách thức cần giải pháp tháo gỡ.

PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, những năm gần đây, nền tảng dữ liệu phong phú và sự lớn mạnh của đội ngũ nghiên cứu có trình độ cao đã giúp các ứng dụng về AI ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế còn hạn chế do AI hoạt động hiệu quả phụ thuộc lớn vào nguồn dữ liệu chưa được chuẩn hóa và việc chia sẻ dữ liệu còn hạn chế giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gây khó khăn trong việc tích hợp, liên thông và chia sẻ dữ liệu trong tương lai. Theo ông Thịnh, cần thống nhất cơ sở dữ liệu để từ đó có các giải pháp khai thác phù hợp, hiệu quả.

Ông Thịnh cũng cho rằng, mặc dù AI có nhiều lợi ích, AI có thể thay thế một số hoặc phần nào công việc của bác sĩ, ví dụ như chẩn đoán căn bệnh hoặc đưa ra những liệu pháp để có thể chữa trị bệnh. Tuy nhiên, có những thứ bắt buộc phải là con người thực hiện. Trong tất cả các khâu đều cần có con người, ví dụ tương tác giữa các khâu, xử lý tình huống trong quá trình chữa trị.

Với sự hỗ trợ của AI trong lĩnh vực y tế, sẽ giúp bác sĩ chăm sóc sức khỏe và phát hiện các dấu hiệu bệnh nhằm mục đích chữa trị và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên cũng cần có những giải pháp để khắc phục các hạn chế hiện tại. Với sự quyết tâm cùng năng lực và tiềm năng của ứng dụng AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những bước phát triển vượt bậc của AI trong lĩnh vực này./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3182

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)