Thứ hai, 17/07/2023 15:41 GMT+7

Nâng cao năng suất lao động từ việc loại bỏ lãng phí chờ đợi trong sản xuất kinh doanh

Lãng phí do chờ đợi rất lớn bởi doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động để duy trì lực lượng sản xuất nhưng lại không thu được lợi nhuận. Chờ đợi còn ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp, giảm năng suất chất lượng, làm chậm quá trình sản xuất, kèo dài thời gian thao tác,...

Lãng phí do chờ đợi rất lớn

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chờ đợi là thời gian công nhân hay máy móc nhàn rỗi do những tắc nghẽn hay luồng sản xuất trong nhà máy, phân xưởng gặp trục trặc. Thời gian chờ đợi, trì hoãn giữa mỗi đợt gia công chế tạo sản phẩm cũng cần được tính đến.

Lãng phí do chờ đợi rất lớn bởi doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động để duy trì lực lượng sản xuất nhưng lại không thu được lợi nhuận. Người lao động nhàn rỗi, không có việc làm, máy móc không được sử dụng hết công suất. Chờ đợi còn ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp, giảm năng suất chất lượng, làm chậm quá trình sản xuất, kèo dài thời gian thao tác,...
 

 Loại bỏ lãng phí chờ đợi trong sản xuất kinh doanh giúp nâng cao năng suất lao động. Ảnh minh họa.

Xét về các nguyên nhân gây ra lãng phí chờ đợi, giới chuyên gia cho rằng, đó là do sự tắc nghẽn hoặc tốc độ nhanh chậm giữa các hoạt động trong dây chuyền hoặc giữa các công đoạn sản xuất. Điều độ sản xuất kém, công suất không cân bằng giữa các công đoạn sản xuất hoặc gặp trở ngại về chất lượng ở công đoạn sản xuất trước gây tắc nghẽn trong quá trình sản xuất.

Tiếp đó, bố trí mặt bằng không hợp lý sẽ góp phần gia tăng thời gian chờ. Việc bố trí mặt bằng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng sẵn sàng và cải thiện hiệu suất máy. Nếu bố trí mặt bằng không hợp lý thì thời gian làm việc không tạo ra giá trị gia tăng, thời gian chờ sẽ gia tăng, thời gian máy móc thiết bị chạy không tải sẽ nhiều.

Mặt khác, khi máy móc, thiết bị không được bảo dưỡng, bảo trì định kỳ dẫn đến quá trình sản xuất, máy móc thiết bị bị hỏng hóc, hư hỏng, lúc đó người lao động không thể sản xuất liên tục được mà phải chờ cho đến khi máy móc hoạt động lại ở mức độ bình thường. Công suất của máy móc được thiết lập không hợp lý sẽ làm tăng thời gian chờ, không tạo ra giá trị gia tăng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, quá trình vận chuyển nhiều, không hợp lý cũng góp phần vào tăng thời gian chờ của người lao động và máy móc thiết bị. Việc cân đối và điều độ sản xuất chưa hợp lý, bố trí lao động không phù hợp cũng làm gia tăng thời gian chờ trong doanh nghiệp.

Sử dụng công cụ cân bằng sản xuất

Để loại bỏ lãng phí do chờ đợi, doanh nghiệp có thể áp dụng công cụ nghiên cứu thời gian để xác định thời gian chuẩn hoàn thành một công việc hay nhiệm vụ nào đó. Xây dựng chuẩn hóa thao tác cho một công đoạn hay quá trình nào đó. Tính toán được thời gian chuẩn cho mỗi công việc đã xác định, doanh nghiệp có đầy đủ thông tin để lập kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc đáp ứng yêu cầu đơn hàng của khách hàng, góp phần giảm thời gian chờ đợi khi triển khai một đơn hàng hay dịch vụ nào.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể triển khai công cụ cân bằng sản xuất (Heijunka): Cân bằng sản xuất, hay điều độ sản xuất, nhắm tới việc bố trí lưu lượng sản xuất và chủng loại sản phẩm ổn định theo thời gian nhằm giảm thiểu sự đột biến trong khối lượng công việc. Bất kỳ sự thay đổi nào về lượng sẽ được cân bằng để hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra với ít sự thay đổi đột ngột. Công cụ này cho phép doanh nghiệp sử dụng hiệu quả máy móc thiết bị, tận dụng công suất sản xuất cao hơn, đồng thời giảm thiểu việc chuyển đổi mẫu mã sản phẩm. Đây là công cụ rất phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi mà các đơn hàng thường là nhỏ lẻ và không ổn định cả về số lượng và yêu cầu để qua đó giảm thời gian chờ đợi trong quá trình sản xuất.

Đáng chú ý, doanh nghiệp cần áp dụng phương pháp bố trí mặt bằng kết hợp công cụ cân bằng chuyền để loại bỏ các nút thắt trong từng quá trình sản xuất. Cùng đó, áp dụng các công cụ kiểm soát sản xuất bằng phương pháp quản lý trực quan giúp dễ dàng điều độ sản xuất.

Ngoài ra, để giảm thiểu thời gian chờ trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần nghiên cứu phương pháp lập và giám sát kế hoạch sản xuất phù hợp, bố trí nhân lực, thiết bị phù hợp theo từng công đoạn. Sử dụng công cụ đánh giá hiệu quả công việc để tính toán ra số lượng nhân sự phù hợp sử dụng cho những công việc cụ thể đã được nghiên cứu...

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 5095

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)