Thứ ba, 11/07/2023 09:15 GMT+7

Thử nghiệm thành thạo - tiêu chí quan trọng để chỉ định, công nhận năng lực phòng thí nghiệm

Thử nghiệm thành thạo (TNTT) là một trong những công cụ quan trọng đối với các tổ chức công nhận, các cơ quan quản lý nhà nước và khách hàng để đánh giá năng lực kỹ thuật của các phòng thử nghiệm, phòng xét nghiệm và phòng hiệu chuẩn (sau đây gọi tắt là phòng thí nghiệm - PTN) đồng thời giúp các phòng thí nghiệm trong hoạt động kiểm soát chất lượng cũng như chứng minh năng lực kỹ thuật đối với các bên quan tâm.

Thử nghiệm thành thạo được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17043 - Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu chung đối với thử nghiệm thành thạo.
TNTT ngày càng được sử dụng rộng rãi trên bình diện quốc tế với nhiều mục đích. Một số mục đích của TNTT có thể thấy như: Đánh giá việc thực hiện các phép thử/ phép đo cụ thể của các PTN và giám sát năng lực của PTN; Nhận biết vấn đề trong PTN và các hành động khắc phục/ cải tiến; Thiết lập tính hiệu lực và khả năng so sánh của các phương pháp thử hay phương pháp đo; Xác nhận giá trị sử dụng của phương pháp, tuyên bố về độ không đảm bảo đo; Xác định giá trị ấn định cho mẫu chuẩn và đánh giá sự phù hợp của mẫu chuẩn; Hỗ trợ cho những tuyên bố tương đương giữa các phép đo của các Viện Đo lường quốc tế.
 


 
 Thử nghiệm thành thạo là tiêu chí quan trọng để chỉ định, công nhận năng lực phòng thí nghiệm. Ảnh minh họa.

Theo bà Hồ Trần Ngọc Quyên - Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3), hiện nay, TNTT đang là một trong những tiêu chí quan trọng để chỉ định/ công nhận PTN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành chưa quan tâm nhiều đến việc sử dụng TNTT như một công cụ để chỉ định PTN. Một số bộ, ngành quy định phân loại chỉ tiêu chưa hợp lý, quá cụ thể dẫn đến gây khó khăn cho PTN khi lựa chọn chương trình TNTT...
Mặt khác, các nhà cung cấp TNTT đã được công nhận tại Việt Nam cũng tăng nhiều trong những năm gần đây, điều này bước đầu hình thành thị trường cạnh tranh, dẫn đến có nhà cung cấp TNTT giảm giá thành khiến cho chất lượng chương trình TNTT giảm.
Ngoài ra, công tác TNTT tại nước ta chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: hóa và vi sinh trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón,... Trong đó, một số lĩnh vực chưa phát triển nhiều như: cơ điện, vật liệu (cơ, lý tính), đo lường... Một số lĩnh vực hẹp, chỉ có một số ít PTN có khả năng thực hiện dẫn đến khó triển khai chương trình TNTT...
Từ những vấn đề nêu trên, bà Hồ Trần Ngọc Quyên đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, các cơ quan quản lý cần ưu tiên các kết quả TNTT từ chương trình đã được công nhận khi đánh giá chỉ định/ tái chỉ định; đưa ra định hướng các lĩnh vực cần chú ý phát triển trong từng giai đoạn để tập trung phát triển chương trình TNTT; Cần có chính sách/ quy định cụ thể, thống nhất về việc sử dụng TNTT là công cụ để đánh giá, xem xét năng lực của các PTN phù hợp với phạm vi chỉ định (đơn vị tổ chức, đối tượng, chỉ tiêu, nền mẫu, tần suất...).
Cơ quan quản lý cần phối hợp với nhà cung cấp TNTT có năng lực để nghiên cứu thực hiện tổ chức chương trình TNTT cho các chỉ tiêu trong phạm vi, đặc biệt các chỉ tiêu mới, khó... hiện chưa có đơn vị tổ chức để có cơ sở đánh giá năng lực PTN; Tổ chức các chương trình TNTT nhiều vòng. Từ đó có thể phân tích sâu hơn về năng lực của các PTN trong lĩnh vực liên quan, để có biện pháp nâng cao năng lực của các PTN (nếu cần thiết).
Đồng thời, cơ quan quản lý cần truyền thông để PTN duy trì tham gia chương trình TNTT để có thể theo dõi và đánh giá dữ liệu của PTN theo thời gian; Có thể lựa chọn chương trình phù hợp nhất với nhu cầu (mẫu, phương thức đánh giá, chính sách của nhà cung cấp TNTT); Hiểu rõ và sử dụng hiệu quả kết quả TNTT để cải tiến quy trình (ngoài mục đích đáp ứng yêu cầu công nhận/ chỉ định)...

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1103

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)