Đây là hoạt động tiếp nối được phía NNSA tổ chức sau thành công của các Cuộc họp đánh giá cấp khu vực tại Sri Lanka năm 2018, tại Malaysia năm 2016, tại Thái Lan năm 2013, tại Philippines năm 2012, tại Việt Nam năm 2010 và tại Indonesia năm 2008. Cuộc họp này đã được lập kế hoạch để tổ chức từ ngày 10-13/3/2020 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, hoạt động này đã chưa thể tổ chức được theo kế hoạch ban đầu và hoãn đến năm 2023.
Mục đích của Cuộc họp nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia về các vấn đề chung có liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, bao gồm: xây dựng và triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ; công nghệ thay thế không sử dụng đồng vị phóng xạ, công tác chuẩn bị và ứng phó đối với các sự cố mất nguồn phóng xạ, bảo đảm an ninh vận chuyển nguồn phóng xạ và quản lý các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Phát biểu khai mạc Cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) nhấn mạnh nguy cơ sử dụng vật liệu phóng xạ, hạt nhân vào mục đích phi hòa bình hiện nay được coi là một nguy cơ có thực trên quy mô toàn cầu, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mọi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang mở rộng ứng dụng bức xạ trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp, v.v… Thời gian gần đây, các nước trong khu vực đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý quốc gia và tăng cường năng lực kỹ thuật của các cơ quan quản lý trong việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ. Bên cạnh việc huy động các nỗ lực quốc gia, các quốc gia thành viên còn nhận được sự hỗ trợ quý báu từ các tổ chức khác, trong số đó có Văn phòng An ninh nguồn phóng xạ (ORS) thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (USDOE). Hiệu quả và kết quả tốt đẹp của các hoạt động hợp tác này đã được các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao.
Về phía địa phương, ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng tham dự Cuộc họp và phát biểu khai mạc. Lãnh đạo Sở cho biết cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương đặc biệt là Cục ATBXHN) (Bộ Khoa học và Công nghệ), chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn luôn quan tâm đến việc bảo đảm an ninh, an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố. Chính quyền thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân thành phố để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố bức xạ hạt nhân.
Ông Nick Butler, Phó Giám đốc Văn phòng ORS (Bộ Năng lượng Hoa Kỳ) đánh giá cao sự hợp tác của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, các cơ quan tham gia thực thi và quản lý an ninh nguồn phóng xạ tại các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương trong việc triển khai Dự án an ninh nguồn phóng xạ do phía Hoa Kỳ đề xuất thực hiện. Hiệu quả tích cực của Dự án trên đã góp phần vào giảm thiểu nguy cơ bức xạ trên quy mô toàn cầu trên phương diện bảo vệ nguồn phóng xạ, loại bỏ nguồn phóng xạ và thay thế nguồn phóng xạ bằng các công nghệ không sử dụng đồng vị phóng xạ. Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu trên, các nước trong khu vực hiện đang phải đối mặt với một số vấn đề trong quá trình quản lý bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ quốc gia. Đó là: ứng phó với các sự kiện an ninh bức xạ và hạt nhân; nguy cơ và đánh giá nguy cơ đối với nguồn phóng xạ; các công nghệ tiên tiến và công nghệ thay thế từ góc độ an ninh, và tính bền vững. Những vấn đề này sẽ được thảo luận giữa các chuyên gia và đại biểu quốc tế tham dự Cuộc họp Đánh giá này.
Hội thảo diễn ra trong vòng 04 ngày, bao gồm các bài trình bày và phiên thảo luận về các chủ đề khác nhau trong lĩnh vực quản lý an ninh nguồn phóng xạ.