Thứ ba, 16/05/2023 14:24 GMT+7

Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái vùng Bắc Bộ, là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Ngày 12/5/2023, tại TP. Nam Định, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và triển khai Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST của vùng và từng địa phương trong vùng giai đoạn 2019-2023 và trao đổi, thảo luận những vấn đề vướng mắc trong thực tế triển khai các hoạt động KH,CN&ĐMST trong giai đoạn tới.
 

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, ĐBSH là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của vùng Bắc Bộ, là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng KH,CN&ĐMST.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.

Trong giai đoạn 2019-2023, hoạt động KH,CN&ĐMST của các địa phương trong vùng đã có những kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của từng địa phương nói riêng và của cả vùng nói chung. Vùng đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp. Nhiều dự án, đề án KH&CN liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức KH&CN đã được triển khai. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án sản xuất công nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, phấn đấu đưa tỉnh Nam Định trở thành một trong những tỉnh khá, là cực phát triển quan trọng của vùng Nam ĐBSH và cả nước, trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm và tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn thời gian tới, Nam Định tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ KH&CN cũng như sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa bộ/ngành trung ương và các tỉnh trong vùng nhằm hỗ trợ tỉnh triển khai Đề án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực nông nghiệp và môi trường thực hiện “bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ gắn với cấp, quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh Nam Định”; thí điểm triển khai, vận hành thệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia...

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Chu Thúc Đạt cho biết, trong giai đoạn 2019-2023, các địa phương trong vùng đã ban hành 235 văn bản và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn. Các địa phương trong vùng cũng đã thẩm định và tham gia ý kiến về công nghệ hơn 1.400 dự án đầu tư, góp phần vào việc ngăn chặn nhập khẩu, đưa vào hoạt động các công nghệ lạc hậu, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Toàn vùng ĐBSH đã có gần 3.100 nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 6 chỉ dẫn địa lý, 172 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; 58 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp bằng sở hữu trí tuệ…
 


Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Chu Thúc Đạt báo cáo tại Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ KH&CN đã đối thoại với các địa phương nhằm trao đổi về các vấn đề tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ISO, truy xuất nguồn gốc, đề án nâng cao năng suất chất lượng; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KH&CN, quỹ phát triển KH&CN địa phương, doanh nghiệp; hoạt động thông tin và thống kê KH&CN, cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai Chiến lược KH,CN&ĐMST ở địa phương…

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận giữa các địa phương với đơn vị thuộc Bộ. Từ đó, đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động KH,CN&ĐMST ở các địa phương, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện Chiến lược Phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 của cả nước.
 


Đoàn Chủ tịch điều hành buổi thảo luận.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của KH,CN&ĐMST và vùng ĐBSH đối với cả nước. Theo đó, liên kết vùng ĐBSH có ý nghĩa rất quan trọng nhằm định hướng, cơ cấu lại kinh tế vùng giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, liên kết vùng sẽ giúp mở ra không gian phát triển mới, phát huy được tiềm năng lợi thế của vùng.
 

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong vùng cần có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài đến làm việc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; có các giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước nhằm gia tăng đầu tư cho KH&CN…

Bộ KH&CN cũng đề xuất phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết ĐMST với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu. Tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST…

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm ủng hộ ngành KH&CN nói chung, nâng mức chi cho KH&CN của tỉnh; thúc đẩy liên kết viện, trường, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với ngành KH&CN, các Sở KH&CN trong Vùng”.  
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nam Định tặng hoa cho Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Nam - đơn vị đăng cai Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSH năm 2024
 

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 1750

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)