Thứ sáu, 17/03/2023 16:39 GMT+7

Chương trình 1322: Nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia là nền tảng cải thiện năng suất dài hạn

Với Chương trình 1322 hiện nay, ngoài vấn đề doanh nghiệp thì việc nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia năng suất là nền tảng cho cải thiện năng suất dài hạn. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu xây dựng các nội dung đào tạo cho các khu vực trường Đại học, Viện nghiên cứu... để tạo nền tảng lâu dài, bền vững cho vấn đề năng suất của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để năng cao năng suất nền kinh tế. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1322) nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
1322 là chương trình tiếp theo của chương trình 712 về việc phê duyệt chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010-2020.
 


TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện năng suất Việt Nam.

Về những kết quả đạt được đến thời điểm hiện tại, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong giai đoạn 10 năm trước, chúng ta đã xây dựng được nền văn hóa về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách thức nhìn nhận về phương pháp quản lý, phương pháp quản trị, phương thức về đổi mới, cải tiến liên tục đã được các doanh nghiệp nhìn nhận một cách rõ nét và hấp thụ tốt hơn.
Đối với Chương trình 1322 hiện nay ngoài vấn đề doanh nghiệp thì việc nâng cao năng lực cho các đội ngũ chuyên gia năng suất là nền tảng cho cải thiện năng suất dài hạn. Chương trình cũng đặt ra các mục tiêu xây dựng các nội dung đào tạo cho các khu vực trường Đại học, Viện nghiên cứu... để tạo nền tảng lâu dài, bền vững cho vấn đề năng suất của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Cụ thể, với vai trò là đơn vị chủ trì Chương trình 1322, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang có kế hoạch tổ chức phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh và Xã hội đào tạo cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước về năng suất, có thể kể đến như Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia TP.HCM... Đồng thời xây dựng các câu lạc bộ về năng suất chất lượng.
Ngoài ra, Tổng cục cũng phối hợp với các trường nghề để đào tạo cho đội ngũ chuyên gia tại các địa phương, tất cả có sự phối hợp nhịp nhàng nhằm xây dựng nền tảng chương trình năng suất chất lượng.
Được biết, ngày 12/01/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 26/QĐ - BKHCN về việc Thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (Ban Chủ nhiệm 1322). TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã trao quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm cho các thành viên.


 
 TS. Hà Minh Hiệp trao quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình 1322 cho các thành viên.

Quyết định nêu rõ về việc cử TS. Ngô Quý Việt – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Chủ tịch Hội thử nghiệm không phá hủy làm Chủ nhiệm; PGS. TS Doãn Kế Bôn – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Thương mại và ông Trần Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng làm Phó Chủ nhiệm;
Các thành viên còn lại bao gồm: PGS. TS Phạm Hồng - Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội; ThS. Hoàng Văn Anh – Phó Trưởng ban Hội viên và Đào tạo – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Ngô Mạnh Hà – Giám đốc Công nghệ, Công ty cổ phần TechX; bà Nguyễn Kim Thanh – Chuyên gia độc lập.
Ban Chủ nhiệm Chương trình 1322 làm việc theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT – BKHCN ngày 12/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 và các quy định pháp luật có liên quan./.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1983

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)