Thứ tư, 01/03/2023 09:34 GMT+7

Viện Ứng dụng công nghệ công bố Quốc tế kết quả nghiên cứu mới về kiểm soát vi nấm gây bệnh ở cây có múi trên Tạp chí Heliyon

Theo thống kê của Cục trồng trọt, cây có múi (cam, bưởi, chanh, quýt) hiện là nhóm cây ăn quả có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng, tổng diện tích trên cả nước đến hết năm 2019 đạt 256,86 nghìn ha, chiếm 24,07% tổng diện tích cây ăn quả. Tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm về diện tích (tương ứng 7,3 nghìn ha/năm), 12,5%/năm về sản lượng (69,4 nghìn tấn/năm). Một trong những tồn tại, hạn chế chủ yếu tác động đến việc phát triển cây có múi là sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh vàng lá Greening, vàng lá thối rễ, thối rụng quả…, làm giảm năng suất, chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm, tuổi thọ vườn cây và tăng chi phí đầu tư, chăm sóc.

Vi nấm là một trong những nguyên gây bệnh thối, rụng quả trên cây có múi ở cả giai đoạn trước và sau thu hoạch rất phổ phiến và nghiêm trọng. Trong khi đó, vi sinh vật đối kháng được coi là tác nhân sinh học kiểm soát mầm bệnh trên cây có múi tiềm năng. Với định hướng phát triển các chế phẩm sinh học sử dụng thay thế cho thuốc diệt nấm hóa học sử dụng trong nông nghiệp, thời gian vừa qua, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Sinh học thực nghiệm - Viện Ứng dụng công nghệ đã tập trung tìm kiếm các chủng vi sinh vật bản địa có hoạt tính kháng hiệu quả các vi nấm gây bệnh chủ yếu trên cây ăn quả có múi ở vùng chuyên canh của Hà Giang.
 


(Thu mẫu nấm bệnh trên quả và cây cam tại Hà Giang)

Nghiên cứu đã xác định hai loài nấm gây bệnh thối rụng quả trên cây có múi là Colletotrichum gloeosporioidesPenicillium digitatum, và chọn được 2 chủng vi khuẩn Bacillus velezensis trong đất có hoạt tính ức chế mạnh sự gây bệnh của 2 loài nấm trên. Điểm mới nổi bật trong nghiên cứu là đã xây dựng được mô hình đánh giá quá trình lây nhiễm gây bệnh trên cuống quả của nấm C. gloeosporioides bằng cách sử dụng chủng nấm được biểu hiện protein phát huỳnh quang màu xanh (GFP). Đây sẽ là công cụ hữu hiệu cho các nghiên cứu sâu hơn về cơ chế gây bệnh của nấm C. gloeosporioides trên quả có múi, làm cơ sở khoa học đưa ra các biện pháp phòng trừ bệnh một cách hiệu quả.

Toàn bộ các kết quả được tổng hợp trong báo cáo “Efficient control of the fungal pathogens Colletotrichum gloeosporioides and Penicillium digitatum infecting citrus fruits by native soilborne Bacillus velezensis strains” của nhóm nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Quốc tế uy tín Heliyon của NXB Cell Press (SCImago xếp hạng Q1, chỉ số ảnh hưởng IF 3.77) số tháng 2/2023.

(Bài báo khoa học công bố trên Tạp chí Quốc tế Heliyon)

* Tra cứu toàn văn bài báo tại: https://doi.org/10.1016/j.heliyon.2023.e13663.

 

Nguồn: Viện Ứng dụng công nghệ

Lượt xem: 1548

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)