Thứ sáu, 10/02/2023 16:02 GMT+7

Đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); đơn giản hoá thủ tục; khuyến khích doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu đã hình thành và tạo ra cơ sở dữ liệu theo thời gian thực; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho khoán chi; tăng cường hậu kiểm. Đó là những định hướng chủ yếu trong đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 09 và ngày 10/02/2023, tại Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
 


Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện một số Bộ, ngành, địa phương; các nhà quản lý, nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và cơ quan liên quan.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ KH&CN tập trung thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn tới năm 2025 và 2030. Trực tiếp và cụ thể nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 05/8/2021 về việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN tái cơ cấu các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia theo hướng bám sát các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra; góp phần phát triển tiềm lực KH&CN trong trung hạn và dài hạn, phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, phải gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030, Phương hướng nhiệm vụ KH&CN 5 năm 2021-2025.

Đến nay, Bộ KH&CN đã cơ bản hoàn thiện việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 chương trình KH&CN quốc gia, gồm 2 chương trình thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. Bộ đã phê duyệt 17 Chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Các Ban Chủ nhiệm và Khung chương trình cũng đã cơ bản được thành lập và phê duyệt.

Cùng với đó, Bộ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện dự thảo 5 thông tư gồm: Thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư hướng dẫn một số nội dung về xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện các dự thảo thông tư, từ khâu xác định nhiệm vụ, tổ chức đặt hàng, tuyển chọn và xét chọn, kiểm tra trong quá trình thực hiện đến khâu đánh giá nghiệm thu cuối cùng nhiệm vụ KH&CN. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính của các sửa đổi: nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN, đồng thời, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho khoán chi và tăng cường hậu kiểm trong quản lý nhiệm vụ KH&CN; tạo điều kiện đơn giản hoá về thủ tục thực hiện cho các bên tham gia, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện cùng các viện, trường, tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu đã hình thành và tạo ra cơ sở dữ liệu theo thời gian thực.

Các đại biểu đều đánh giá cao việc Bộ KH&CN phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng 5 dự thảo thông tư và kỳ vọng sẽ có bước thay đổi lớn các quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Đồng thời cho rằng các văn bản dự thảo của Bộ sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ KH&CN.  


Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội thảo.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, các ý kiến góp ý tại Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp Bộ KH&CN sớm hoàn thiện sửa đổi các quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, qua đó tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4314

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)