Thứ ba, 31/01/2023 16:46 GMT+7

Định hướng, mục tiêu phát triển hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng thời gian tới

Chia sẻ về những định hướng và mục tiêu phát triển hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) thời gian tới, TS. Hà Minh Hiệp cho biết, năm 2023, một trong những hoạt động hết sức quan trọng chính là tập trung sửa đổi Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời tập trung vào 5 Đề án quan trọng.

Những dấu ấn năm 2022...

Năm 2022 vừa qua là một năm với đầy ắp các hoạt động, cho thấy vai trò quan trọng, tích cực của ngành TCĐLCL đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước ta. Chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL nhận định, năm 2022, Tổng cục TCĐLCL đã thực hiện rất nhiều hoạt động để lại dấu ấn quan trọng.

Nhóm công việc thứ nhất là đánh giá lại hệ thống văn bản chính sách trong đó có Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Việc rà soát chính sách này giúp Tổng cục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực tiêu chuẩn chất lượng.
 

 Lãnh đạo Bộ KH&CN (giữa), Tổng cục TCĐLCL điều hành phiên thảo luận trong Hội thảo khoa học trao đổi, thảo luận về các nội dung trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật. Ảnh: Vân Trương.

Nhóm công việc thứ hai là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ, giải pháp về TCĐLCL để tăng năng suất. Trong đó, Chương trình năng suất chất lượng đã triển khai từ năm 2022 với những dự án và chương trình mới.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình bảo đảm đo lường cho doanh nghiệp. Tổng cục đã xây dựng các chương trình đào tạo về chuyên gia tư vấn đối với chương trình đảm bảo đo lường với hai cấp độ là đào tạo cơ bản và nâng cao. Thời gian qua, Tổng cục đã tổ chức đào tạo rất thành công ở khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp trong lĩnh vực đo lường. “Năm 2022 được đánh giá là năm thành công của Chương trình với sự tham gia của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp về đảm bảo đo lường”, TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

Nhóm công việc thứ ba, Tổng cục đã xem xét và thống nhất chuyển dịch sang phương thức làm việc mới đó là phương thức làm việc trên nền tảng số. Tổng cục đã nghiên cứu và xây dựng Đề án chuyển đổi số trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

... mở ra nhiều kỳ vọng trong năm 2023

Sang năm 2023, nhiều dự báo cho thấy đây sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức với nền kinh tế đất nước. Chia sẻ về những định hướng và mục tiêu phát triển hoạt động TCĐLCL thời gian tới, TS. Hà Minh Hiệp cho biết, năm 2023, một trong những hoạt động hết sức quan trọng chính là tập trung sửa đổi Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật. Có thể thấy, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong bối cảnh hiện nay khác rất nhiều so với 16 năm trước, chính vì vậy việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.
 

 Siêu âm mối hàn ray thép tại Dự án Tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên (Tuyến Metro số 1). Ảnh: QUATEST 3.

Bên cạnh đó, năm 2023 Tổng cục tập trung vào 5 Đề án. Thứ nhất: Đề án Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, chiến lược này sẽ giúp chúng ta thay đổi cách thức xây dựng tiêu chuẩn hiện nay, thay vì làm tiêu chuẩn theo kế hoạch từng năm thì có thể làm theo từng giai đoạn, thay vì nhận tiêu chuẩn từ các bộ ngành chúng ta sẽ nhận đặt hàng tiêu chuẩn từ doanh nghiệp, địa phương, thay vì nâng cao tỷ lệ hài hòa với quốc tế chúng ta sẽ chủ động có những tiêu chuẩn Việt Nam trở thành tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai: Đề án về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất và hội nhập quốc tế. Có thể thấy tiêu chuẩn, đo lường, công nhận chứng nhận là ba cấu phần hết sức quan trọng của hạ tầng chất lượng quốc gia, để có thể tập trung khai thác được hệ thống thiết bị, con người của cả quốc gia trong vấn đề TCĐLCL thì Đề án hạ tầng chất lượng quốc gia giúp chúng ta thực hiện những việc đó. Qua việc xây dựng Đề án, chúng ta sẽ nâng được chỉ số hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam.

Thứ ba: Đề án chuyển đổi số sẽ thay đổi phương thức làm việc của ngành TCĐLCL. Thứ tư: Đề án điều chỉnh Quyết định 19/QĐ-TT về hệ thống quản lý ISO hành chính công, sau thời gian triển khai có thể thấy các cơ quan, tổ chức thực hiện rất tốt công việc này. Đề án thời gian tới sẽ nâng lên tầm cao mới, trong đó, các địa phương sẽ áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 18091 từ đó tạo nền tảng cho các địa phương chuyển sang quá trình chuyển đổi và đô thị thông minh. Với các bộ, ngành sẽ triển khai hệ thống quản lý chất lượng đặc trưng cho các ngành, lĩnh vực.

Thứ năm: Đề án thay đổi phương thức phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra và giám sát hoạt động TCĐLCL trong bối cảnh mới. Việc chuyển đổi số cùng với hoạt động điện tử online bắt buộc phương thức kiểm tra, thanh tra, giám sát cần có sự thay đổi.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 2458

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)