Thứ hai, 26/12/2022 21:27 GMT+7

Yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng xu hướng công nghệ mới

Sự xuất hiện của các công nghệ mới như 5G, IoT, dữ liệu lớn... cũng đặt ra vấn đề cần nghiên cứu về các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.

Theo thống kê của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TT&TT), hiện có tổng cộng 125 quy chuẩn và 176 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến lĩnh vực TT&TT. Các đối tượng áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn này là các sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ và lĩnh vực an toàn thông tin... Trong đó, nhiều nhất là tiêu chuẩn và quy chuẩn với đối tượng tiêu chuẩn hóa là các sản phẩm, thiết bị trong lĩnh vực viễn thông và CNTT (85 quy chuẩn và 76 tiêu chuẩn).

Một trong những nhiệm vụ chính về công tác tiêu chuẩn hóa là tạo nền móng chuyển đổi số. Theo định hướng, tới đây Bộ TT&TT sẽ bổ sung thêm một số đối tượng tiêu chuẩn hóa mới, bao gồm một số công nghệ nền tảng (5G, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây...), tiêu chuẩn hóa nền tảng số và tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng.

Vụ Khoa học và Công nghệ nhận định, trong tương lai, các công nghệ liên quan tới chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có xu hướng phát triển nhanh. Vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số sẽ ngày càng được chú trọng. Các sản phẩm nội địa hóa cũng được chú trọng phát triển.

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ gắn chặt với các định hướng của Chính phủ và Bộ TT&TT trong việc đưa hạ tầng viễn thông số dịch chuyển thành hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, sáng tạo, đổi mới công nghệ cho các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cũng như đảm bảo các vấn đề về an toàn thông tin mạng. Sự xuất hiện của các công nghệ mới như 5G, IoT, dữ liệu lớn... cũng đặt ra các vấn đề cần nghiên cứu về tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.

Theo ông Đinh Hải Đăng (Vụ Khoa học và Công nghệ), cả nước hiện có 1 tổ chức chứng nhận, 1 tổ chức kiểm định và 33 tổ chức thử nghiệm trong lĩnh vực TT&TT. Định hướng quản lý của Bộ TT&TT là củng cố hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm, trang thiết bị lĩnh vực TT&TT. Để làm điều này, cần thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có việc nghiên cứu xây dựng phòng thí nghiệm/thử nghiệm trọng điểm, chuyên ngành theo định hướng chung của Nhà nước.

Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, mở rộng và khai thác năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài theo các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau để phục vụ xuất nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian.
 

Ảnh minh hoạ

Nâng cao hiệu quả việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO

Ông Nguyễn Quang Toả, chuyên gia Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, hiện đã có 10/10 cơ quan, tổ chức thuộc diện bắt buộc công bố đang áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 (ISO). Có 9 cơ quan, tổ chức thuộc diện khuyến khích công bố, đang áp dụng ISO và 100% thủ tục hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được quy trình ISO, đưa vào áp dụng.

Hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống ISO được triển khai theo nhiều bước. Đó là lập kế hoạch triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống ISO thông qua việc thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo ISO, lập, ban hành kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực triển khai.

Đào tạo nhận thức chung về ISO, đào tạo, tập huấn các kỹ năng để triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống ISO hiệu quả, bền vững. Xác định, xây dựng tài liệu hệ thống quản lý chất lượng bằng việc xây dựng chính sách chất lượng, sổ tay chất lượng, mục tiêu chất lượng và kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng. Xác định, xây dựng các quy trình hệ thống quản lý chất lượng theo các bước kiểm soát tài liệu, kiểm soát hồ sơ, đánh giá nội bộ, quản trị rủi ro, xử lý sự không phù hợp, họp xem xét của lãnh đạo, cải tiến hệ thống ISO.

Cùng với đó là xác định, xây dựng các quy trình nghiệp vụ; xây dựng tài liệu hệ thống quản lý chất lượng. Mục tiêu chất lượng thường được xây dựng hằng năm (ban hành vào đầu năm, được đánh giá tình hình thực hiện từng mục tiêu chất lượng cụ thể vào cuối năm) và xây dựng ở hai cấp (cấp tổ chức, doanh nghiệp vàc cấp đơn vị, bộ phận trực thuộc).

Theo ông Tỏa, trong việc áp dụng thống ISO, doanh nghiệp và tổ chức phải duy trì bộ phận giám sát quản trị rủi ro, đồng thời, thực hiện theo nguyên tắc cải tiến liên tục, tập trung vào khách hàng và chú trọng đến nhu cầu của các bên liên quan. Doanh nghiệp và tổ chức cần thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến các tài liệu, quy trình ISO để tiến hành cải tiến.

“Để đảm bảo duy trì và cải tiến được tốt, cần bảo đảm tổ chức tốt, nghiêm túc các cuộc đánh giá nội bộ, tổ chức xử lý triệt để các sự cố không phù hợp, điểm khuyến nghị qua các đợt đánh giá nội bộ”, ông Tỏa nói.

Để nâng cao hiệu quả việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông cần chú trọng tới các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng việc thực hiện chuyển đổi số (về quyết tâm, kinh phí, nhân lực, thời gian).

“Chuẩn hóa quy trình ISO theo quy mô tinh gọn, vận hành hiệu quả hệ thống này trong doanh nghiệp, tổ chức sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Thông qua việc đôn đốc xây dựng các quy trình điện tử, phần mềm triển khai ISO điện tử; tổ chức các khóa/lớp tập huấn, đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng về ISO, hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp và tổ chức sẽ được đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn mà ISO đặt ra”, ông Tỏa nhấn mạnh.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1346

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)