Thứ hai, 12/12/2022 16:55 GMT+7

Làm chủ công nghệ phát triển sản phẩm đặc thù tại địa phương

Giai đoạn 2018-2022, hệ thống các Trung tâm có chức năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm chủ được hơn 400 công nghệ, thực hiện hơn 1.000 nhiệm vụ KH&CN ứng dụng vào thực tiễn.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị về hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ địa phương năm 2022 diễn ra vào sáng 08/12/2022 tại TP.HCM.  Đây là hoạt động thường niên được Bộ KH&CN chủ trì thực hiện đến năm nay là năm thứ 15. Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị về phía Bộ KH&CN có đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương; ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam; ông Nguyễn Quyết Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-tài chính; ông Trần Hùng Thuận, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ; đại diện một số đơn vị khác trực thuộc Bộ KH&CN. Về phía thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có: bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh, thành phố và cán bộ, viên chức 63 Trung tâm có chức năng ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hơn 1.000 nhiệm vụ được ứng dụng vào thực tiễn

Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, các Trung tâm thực hiện chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương, hình thành mối liên kết hoạt động, góp phần thúc đẩy công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống; đồng thời cũng là diễn đàn để các Trung tâm chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cùng thảo luận với các nhà quản lý ở Trung ương và địa phương để tìm ra giải pháp tối ưu, thúc đẩy việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống, đặc biệt là trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu và xu thế công nghiệp lần thứ 4.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến hoạt động KH&CN với quan điểm đưa KH&CN thực sự là động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược của giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2045.

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã chỉ đạo tăng cường hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các địa phương thông qua hoạt động của các Trung tâm thực hiện chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ thuộc Sở KH&CN. Trung tâm có vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn công nghệ, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, là đầu mối thu thập, cung cấp thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN của địa phương.

Tại Hội nghị, ông Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã báo cáo về kết quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2022 và định hướng năm 2025. Báo cáo cho biết, giai đoạn từ 2018 đến 2022 hệ thống các Trung tâm đã làm chủ được hơn 400 công nghệ; triển khai gần 14.000 hợp đồng dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ; thực hiện hơn 1.000 nhiệm vụ KH&CN để ứng dụng vào thực tiễn; chủ động liên kết nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương...

Năm 2022, các Trung tâm đã chủ động tăng cường hoạt động ứng dụng, làm chủ công nghệ để phát triển các sản phẩm theo đặc thù của địa phương, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Năm 2022, nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của Trung tâm đạt doanh thu 58 tỷ đồng từ 124 sản phẩm tiêu biểu như: sản phẩm bằng vật liệu nhựa composite, chế phẩm sinh học, sản phẩm từ nuôi trồng và chế biến nấm, giống cây trồng… (năm 2021 là 41 tỷ đồng).

Trong giai đoạn 2021 - 2022, các Trung tâm đã và đang thực hiện 206 nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực chủ yếu như: Nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, sở hữu trí tuệ, điều khiển tự động, y dược...

Các kết quả đó đã đóng góp tích cực trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, là cầu nối quan trọng tạo sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để chuyển giao các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương.

Cần liên kết tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị

 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định các Trung tâm thực hiện chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương đã góp phần hình thành mối liên kết hoạt động, thúc đẩy công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ, trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về ứng dụng, đổi mới công nghệ và thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, các Trung tâm vẫn còn không ít những thách thức cần phải vượt qua. Đặc biệt là kết nối chuyển giao công nghệ và đưa sản phẩm ra thị trường còn chưa nhiều. Việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu và liên kết theo chuỗi giá trị chưa được quan tâm đầu tư, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ như thế nào cho hiệu quả theo xu thế phát triển của nền công nghiệp lần thứ 4 cũng như đáp ứng yêu cầu của mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; trong khi trình độ đội ngũ cán bộ, viên chức chưa đồng đều, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp vẫn còn nhiều hạn chế...
 

Phiên thảo luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung trọng tâm bao gồm: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Trung tâm khi chuyển sang mô hình tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ của Nghị định 60/NĐ-CP; đánh giá kết quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, hoạt động dịch vụ và sản xuất kinh doanh của các Trung tâm tại địa phương năm 2022; định hướng và giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả của Trung tâm đối với hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương; Hoàn thiện mô hình phát triển Trung tâm đến năm 2025 nhằm phát huy hiệu quả tự chủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và trong cả nước./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 1320

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)