Thứ tư, 07/12/2022 01:00 GMT+7

Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Mở lần 2: Hợp tác Đổi mới sáng tạo cần “mở” để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp

“Đổi mới sáng tạo mở” sẽ là lời giải tiếp theo cho các doanh nghiệp Việt Nam duy trì hiệu quả và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khuôn khổ Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2022, do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phối hợp với Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức “Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở lần 2” chiều ngày 2/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Dương.

Toàn cảnh Diễn đàn

Đổi mới sáng tạo để “vượt bão” trong nền kinh tế

Đổi mới sáng tạo mở được hiểu là sự tham gia của nguồn lực bên ngoài, bao gồm các startup, viện, trường vào giải quyết bài toán cho chính doanh nghiệp, tổ chức, viện, trường; mặt khác cũng có thể đưa các sáng kiến, sáng chế được nghiên cứu để chuyển giao cho startup phát triển và các doanh nghiệp đầu tư.

Tại diễn đàn, đại diện Công ty TNHH Minh Long I, Tập đoàn Qualcomm, Shinhan Future’s Lab chia sẻ câu chuyện “mở” trong các doanh nghiệp khi tận dụng nguồn lực từ bên ngoài để giúp đổi mới, cập nhật và phối hợp về công nghệ, giảm bớt chi phí R&D, giải quyết bài toán kinh doanh và tái cấu trúc của chính doanh nghiệp mình. Diễn đàn cũng tập trung thảo luận vai trò của cơ quan nhà nước trong tạo dựng môi trường, bao gồm chính sách và ưu đãi đồng hành để điều tiết nguồn lực và là “chất keo” giữa các bên. Cùng với đó, truyền thông là nhân tố kết nối, tìm kiếm và sàng lọc giúp các chủ thể tìm được mảnh ghép phù hợp, đồng hành để lan tỏa câu chuyện thành công, sau đó là hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiếp cận khách hàng và bán hàng cho các sản phẩm công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Nhấn mạnh về kinh nghiệm triển khai của thế giới, bà Phan Hoàng Lan – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo (CEI), Đại học Fulbright, cho biết thông thường có 4 mô hình để doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, bao gồm tự mở một phòng nghiên cứu R&D nội bộ; thuê các công ty tư vấn về đổi mới sáng tạo doanh nghiệp; hợp tác với startup hoặc làm việc với các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong đó, thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong thì ĐMST mở được hiểu là sự tham gia của nguồn lực bên ngoài, bao gồm các startup, viện trường, vào giải quyết bài toán cho chính doanh nghiệp.

Cụ thể, mô hình doanh nghiệp – công ty khởi nghiệp thường được thể hiện thông qua việc các tập đoàn mua các sản phẩm, dịch vụ của startup, tiếp cận các giải pháp, công nghệ đa dạng với chi phí tiết kiệm. Điểm yếu của mô hình này là có những giải pháp của startup chưa thực sự được chứng minh, không đủ để nhân rộng hoặc thiếu bảo mật thông tin. Dù vậy, ông Martin Kim - Giám đốc Shinhan Future Lab nhấn mạnh các đơn vị nên hỗ trợ kỹ năng, kinh nghiệm và vốn cho các startup để họ thêm tự tin và có thể thực hiện chuyển từ ý thức sang hành động. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có sự xuất hiện nhiều startup trên toàn quốc về hầu hết các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh, là cơ sở để các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kết nối và tận dụng nguồn lực sáng tạo từ bên ngoài này.

Tại diễn đàn, ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I cũng đã “ra đề” với các startup tại ngày hội về giải pháp đổi mới sáng tạo cho dòng sản phẩm gốm sứ dưỡng sinh của công ty để có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, mang lại những lợi ích cho cộng đồng.

Ông Trịnh Hồng Minh - đồng sáng lập Công ty CP Tập đoàn The Startup, đồng tình và cho rằng Đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở sẽ là tiền đề của nền kinh tế chia sẻ: chia sẻ về kinh tế, nguồn vốn, nhân lực, tri thức, giáo dục…Phương pháp này cũng là “bàn đạp” hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam.
 

Các chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận tại Diễn đàn

Tăng cường liên kết mô hình đối tác doanh nghiệp, startup và viện nghiên cứu

Theo bà Phan Hoàng Lan, mô hình đối tác doanh nghiệp – trường đại học/viện nghiên cứu giúp doanh nghiệp tận dụng nhiều trí tuệ, sáng kiến mới của các viện, trường không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở trên thế giới, chia sẻ chi phí và rủi ro, cũng như tạo điều kiện để kết nối, tuyển chọn nhân tài. Trung tâm CEI của Đại học Fulbright sẽ theo mô hình thứ hai này với mong muốn xây dựng một nền tảng giúp sinh viên, giảng viên, cá nhân khởi nghiệp kết nối và ĐMST trong và ngoài doanh nghiệp.

Đại diện từ Heineken cũng nhấn mạnh về mối liên kết giữa doanh nghiệp và viện - trường. Theo đó, Heineken đã nhận sinh viên vào thực tập, đồng thời thường xuyên cử các nhân viên đến chia sẻ thông tin, kiến thức tại các trường đại học.

Ông Trịnh Hồng Minh - đồng sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn The Startup, đồng tình và cho rằng ĐMST mở sẽ là tiền đề của nền kinh tế chia sẻ: Chia sẻ về kinh tế, nguồn vốn, nhân lực, tri thức, giáo dục… Phương pháp này cũng là “bàn đạp” hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam.

Làm rõ thêm về những mô hình ĐMST, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh – CEO KisStartup, Trưởng Làng Đổi mới Sáng tạo mở Tập đoàn của Techfest Vietnam 2022 đã chia sẻ về cuốn sách “Corporate Startup Champions” do bà chắp bút. Cuốn sách tổng hợp và phân tích những câu chuyện ĐMST truyền cảm hứng từ các tập đoàn, công ty như Minh Long I, Qualcomm, Vinamit, Mỹ Lan... Những câu chuyện này sẽ mang đến góc nhìn sâu về ĐMST cùng với các thách thức, cơ hội chúng ta sẽ đối diện trong thời gian sắp tới.

Cũng tại diễn đàn, NATEC, Ban biên tập Truyền hình Đa phương tiện (Đài truyền hình Việt Nam-VTV) và doanh nghiệp startup TheRepublixis đã đồng hành công bố Kênh truyền thông đa phương tiện hỗ trợ ĐMST (Vietnam Innovation Channel).

Techfest là hoạt động thường niên được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị tổ chức trong 7 năm qua với mục tiêu xây dựng và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối vùng với quốc gia và quốc tế. Tiếp nối các Techfest vùng (Bắc - Trung - Nam) và Techfest các địa phương đã được tổ chức rất sôi nổi trong năm. Techfest Vietnam 2022 diễn ra từ ngày 2/12-4/12 tại Bình Dương với 250 gian hàng khởi nghiệp ĐMST của hơn 30 Làng Công nghệ cùng chuỗi hàng chục hội thảo, sự kiện chuyên đề nằm trong các hoạt động triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025.

Thích ứng với bối cảnh bình thường mới, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức và kết nối toàn cầu, Techfest Vietnam 2022 hướng đến thúc đẩy các giải pháp ĐMST từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài để tăng trưởng nền kinh tế. Đồng thời, Techfest năm nay mong muốn truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần ĐMST và khởi nghiệp tới mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và nhất là lực lượng thanh niên, sinh viên, thể hiện khát khao lớn lao về một tương lai tốt đẹp và văn minh hơn./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1890

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)