Thứ hai, 21/11/2022 16:54 GMT+7

Hội thảo “Nền tảng cơ sở dữ liệu về chuyên gia trí tuệ nhân tạo và các giải pháp kết nối cung cầu công nghệ số”

Ngày 15/11/2022, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Cơ quan Khoa học Dữ liệu của Chính phủ Austrailia (CSIRO/Data61) và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Đại học Griffith Austrailia tổ chức Hội thảo “Nền tảng cơ sở dữ liệu về chuyên gia trí tuệ nhân tạo và các giải pháp kết nối cung cầu công nghệ số”.

Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; TS. Kim Winbush, Giám Đốc Aus4Innovation; các diễn giả, khách mời trong và ngoài nước.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam” (Vietnam AI Marketplace). Đây là cơ hội để nhóm dự án giới thiệu công cụ số Vnconnect (http://vnconnect.info) – một nền tảng cơ sở dữ liệu về chuyên gia trí tuệ nhân tạo (TTNT) người Việt trên toàn cầu, và các ý tưởng cho một nền tảng kết nối các nhà cung cấp dịch vụ số (doanh nghiệp và chuyên gia) với các bên có nhu cầu.

Mở rộng mạng lưới các chuyên gia TTNT người Việt trên toàn cầu

Thị trường KH&CN tại Việt Nam, trong đó công nghệ số và đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra cuộc "cách mạng hóa" trong nhiều lĩnh vực. Ngày càng có nhiều công ty Việt Nam phát triển các giải pháp TTNT. Hiện, Việt Nam có hơn 1.900 chuyên gia đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến TTNT. Bên cạnh đó, vẫn còn có những khó khăn trong quá trình tìm kiếm giải pháp công nghệ và kết nối với đối tượng sử dụng công nghệ. Do đó Hội thảo tập trung thảo luận, giải quyết các vấn đề về kết nối giữa các đối tượng chính trong hệ sinh thái công nghệ bao gồm chuyên gia và doanh nghiệp, qua đó đề cao tầm quan trọng của một nền tảng thống nhất cung cầu về công nghệ số.
 

PGS.TS. Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Australia thời gian qua đã có nhiều hoạt động được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Australia. Việc kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia đã trải qua 4 năm qua các giai đoạn hợp tác hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hướng tới nền kinh tế số, Việt Nam nỗ lực thực hiện lấy TTNT làm trung tâm, tăng cường thúc đẩy kết nối với các chuyên gia và đạt được thành công, điển hình như chuỗi sự kiện Ngày hội trí tuệ nhân tạo Viêt Nam (AI4VN).

Thứ trưởng cho biết, để phát triển hơn nữa, chúng ta cần phát triển công cụ sử dụng TTNT trong việc tạo nền tảng nhằm tự động tìm kiếm, kết nối cập nhật thông tin về các chuyên gia trí thức người Việt trên toàn cầu. Theo đó, Bộ KH&CN đặt hàng Aus4Innovation cùng các đơn vị thực hiện phát triển hệ thống, nền tảng để kết nối các chuyên gia về TTNT của Việt Nam và Australia sau đó mở rộng ra các chuyên gia Việt Nam ở trên toàn cầu, kết nối với các nhu cầu công nghệ trong nước, các nhu cầu về chuyển đổi số, các nhu cầu về TTNT. Cách làm là sẽ sử dụng các hệ thống, sử dụng các chuyên gia TTNT người Việt, hình thành hệ thống tự động tìm kiếm, phát hiện, cập nhật thông tin về các chuyên gia TTNT. Nền tảng công nghệ số sử dụng TTNT sẽ góp phần thực hiện kết nối và giúp các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các địa phương của Việt Nam kết nối cung cầu công nghệ với chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.

Nền tảng VNConnect- tiềm năng trở thành một trong những giải pháp thống nhất cung - cầu về mặt công nghệ số

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nền tảng cơ sở dữ liệu về chuyên gia TTNT hoàn toàn có thể mở rộng ra các trường đại học kỹ thuật trong cả nước, giải quyết vấn đề tích hợp quản trị, giữa sinh viên, giảng viên và các đối tác quốc tế, từ đó xây dựng quy mô lớn hơn của cộng đồng các trường đại học.
 

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các diễn giả, khách mời trong và ngoài nước chia sẻ và trao đổi các thông tin hữu ích về những giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ nhằm đổi mới sáng tạo để tăng cường chất lượng, hiệu quả, và sức cạnh tranh trong thời đại số, cụ thể: TS Kim Winbush, Giám Đốc Aus4Innovation, giới thiệu về chương trình Aus4Innovation - chương trình hỗ trợ củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ; TS. Henry Nguyễn, Griffith University, giới thiệu về VNconnect, nền tảng cơ sở dữ liệu về chuyên gia công nghệ thông tin; TS. Nông Ngọc Duy đại diện CSIRO tiếp nối chương trình bằng thông tin về hiện trạng phát triển công nghệ và ứng dụng TTNT; TS. Stela Solar, Giám đốc Trung tâm quốc gia về trí tuệ nhân tạo Australia, chia sẻ về cơ hội hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực TTNT.
 


TS Kim Winbush, Giám Đốc Aus4Innovation, giới thiệu về chương trình Aus4Innovation

Sau phần trình bày từ các diễn giả, Hội thảo mở ra phiên thảo luận với các doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến việc phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, TS Phạm Thu Hiền, CSIRO’s Data61 - Cơ quan Khoa học Dữ liệu của Chính phủ Australia, và TS Nguyễn Thanh Hùng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu thông tin về mô hình kinh doanh nhằm phát triển VNconnect từ cơ sở dữ liệu về chuyên gia trở thành một nền tảng kết nối cung cầu về công nghệ số.

Hội thảo khép lại bằng phiên thảo luận với sự tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp đưa ra gợi ý về nhu cầu công nghệ và ứng dụng của nền tảng trong các lĩnh vực khác nhau.

Nền tảng VNconnect được phát triển trong khuôn khổ dự án “Thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam”, hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), CSIRO’s Data61 - Cơ quan Khoa học Dữ liệu của Chính phủ Australia, Bộ KH&CN và các cơ quan nghiên cứu khác của Việt Nam và Australia, bao gồm Đại học Griffith, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, và Viện Nghiên cứu Kinh tế, Môi trường và Khoa học Dữ liệu tại Việt Nam trong chương trình Aus4Innovation. Đây cũng là một trong số ít dự án tài trợ quốc tế được tiến hành hoàn toàn với các chuyên gia là người Việt trên thế giới.

VNConnect là công cụ trực tuyến chạy trên nền tảng dữ liệu lớn và sử dụng TTNT giúp tìm kiếm và phân loại các thông tin về chuyên gia, tổ chức và các doanh nghiệp nghiên cứu và cung cấp dịch vụ số liên quan công nghệ TTNT.

Thông tin từ CSIRO’s Data61 - Cơ quan Khoa học Dữ liệu của Chính phủ Australia cho biết, cho tới nay, cơ sở dữ liệu của nền tảng có 4458 chuyên gia TTNT người Việt trên toàn thế giới, 836 tổ chức là các đơn vị mà người Việt làm việc, 2.567 bằng sáng chế và 113.124 bài nghiên cứu về TTNT do người Việt đứng tên. Nền tảng VNConnect có tiềm năng trở thành một trong những giải pháp thống nhất cung - cầu về mặt công nghệ số, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ số và các đối tượng có nhu cầu, qua đó hỗ trợ các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia và doanh nghiệp.
 

Với chủ đề "Nền tảng cơ sở dữ liệu về chuyên gia TTNT và các giải pháp kết nối cung cầu công nghệ số ", Hội thảo cung cấp một bức tranh toàn cảnh về nhu cầu và sự hưởng ứng của doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp, sử dụng công nghệ, và vai trò của nền tảng chuyên gia TTNT nhằm kết nối và xây dựng mối quan hệ bền vững giữa các đối tượng trong hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam.

 

Nguồn: Vụ Công nghệ cao - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1530

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)