Toàn cảnh Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra TĐC, thanh tra ATBXHN, thanh tra SHTT; tình hình, giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động thanh tra KH&CN tại địa phương; hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức, hoạt động thanh tra KH&CN; đồng thời tập huấn các chuyên đề về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra và một số vấn đề cần lưu ý đối với thanh tra chuyên ngành; kỹ năng, nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính; và trao đổi, thảo luận về các chuyên đề tập huấn.
Ông Bùi Thế Duy - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Đối với công tác thanh tra, quan trọng nhất chính là tập trung phòng ngừa rủi ro trong quản lý nhà nước, đôn đốc tuân thủ pháp luật trong thực hiện chức năng nhiệm vụ; qua thanh tra kiểm tra, rà soát phát hiện những điểm bất cập, phát sinh trong hệ thống pháp luật để tham mưu sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật. Trong xu thế KH&CN thế giới phát triển rất nhanh, phát sinh nhiều vấn đề mới ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra vì hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và vấn đề có những điểm mới mà công tác thanh tra chưa từng gặp qua. Do đó, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ đồng hành cùng các đơn vị để rà soát, xem xét đề xuất sửa đổi quy định và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Chính vì lí do đó, hơn bao giờ hết, vai trò của thanh tra ngày càng quan trọng, không chỉ là để xử lý, giải quyết những vi phạm nội bộ mà thanh tra chuyên ngành còn đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng mong muốn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, đảm bảo duy trì được bộ phận thanh tra tại các sở KH&CN để tạo ra một hệ thống mạng lưới thanh tra KHCN đủ mạnh; đồng thời, các sở KH&CN cần quan tâm, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ thanh tra. Thông qua Hội nghị, công tác thanh tra chuyên ngành sẽ được nâng cao, phát huy tối đa nguồn lực, góp phần triển khai và thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, giúp cho ngành KH&CN phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị
Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn ra phức tạp, hoạt động KH&CN nói chung và hoạt động thanh tra KH&CN nói riêng cũng đang gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Có thể nói rằng hội nghị tập huấn rất cần thiết và kịp thời trong giai đoạn hiện nay để phân tích và đánh giá những thách thức khó khăn, lợi thế của ngành cũng như đề xuất giải pháp hiệu quả, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), góp phần bảo vệ quyền lợi cán bộ, doanh nghiệp. Đây cũng là dịp quý giá để ngành KH&CN, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng được học hỏi, trao đổi những vấn đề mới, khúc mắc từ nhiều chuyên gia, người có kinh nghiệm và giữa các tỉnh thành với nhau trong quá trình xử lý để tìm ra hướng giải quyết; đồng thời chia sẻ, đồng hành với ngành KH&CN để tiếp cận những cơ hội, điều kiện mới góp phần cho sự phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Như Quỳnh - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN phát biểu tại Hội nghị
Bà Nguyễn Như Quỳnh - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN chia sẻ: Mặc dù gặp ảnh hưởng từ dịch Covid -19 nhưng thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, bên cạnh những hoạt động như giải quyết đơn thư, phòng chống tham nhũng cũng như tất cả hoạt động chức năng của cơ quan thanh tra thì cơ quan thanh tra Bộ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra với số tiền xử phạt đáng kể. Trong những nghị quyết của Đảng và Chính phủ cũng như trong dự thảo Luật Thanh tra đã chỉ rõ hoạt động thanh tra là kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện cơ sở chính sách pháp luật cũng như kịp thời đưa ra các biện pháp để ngăn chặn và xử lý vi phạm.
Chánh Thanh tra Bộ cũng chỉ ra những điểm mới trong Dự thảo Luật Thanh tra hiện nay là quy định rất rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan với hoạt động thanh tra, quy định việc yêu cầu phối hợp trong hoạt động thanh tra; và có thể thay đổi cơ cấu theo hướng tinh giản thanh tra cấp sở và cấp huyện. Hiện nay, các cơ quan thanh tra đang đứng trước áp lực về số lượng thanh tra ít và vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Trong khi đó, một số sở KH&CN lại nhập thanh tra với các đơn vị khác dẫn đến khó khăn trong triển khai công việc.
Đoàn chủ tọa Hội nghị trao đổi, thảo luận với các đại biểu tham dự Hội nghị
Điểm đặc biệt của Hội nghị năm nay là tổ chức tọa đàm trao đổi, thảo luận giữa Lãnh đạo Bộ với thủ trưởng các đơn vị có chức năng thanh tra và một số đơn vị có liên quan. Các đại biểu đã tham gia trao đổi, thảo luận, hỏi đáp mọi thắc mắc liên quan trực tiếp đến công tác thanh tra chuyên ngành của cơ quan, đơn vị và tại địa phương. Thủ trưởng các đơn vị đã giải đáp một số thắc mắc liên quan đến hoạt động thanh tra KH&CN tại địa phương. Hội nghị đã cùng đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra KH&CN, hệ thống thanh tra KH,CN&ĐMST trung ương và địa phương; và để duy trì tổ chức thanh tra sở KH&CN.
Ông Vũ Hồng Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) trình bày tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Trưởng phòng, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) trình bày tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, Hội nghị được tập huấn các chuyên đề về “Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra và một số vấn đề cần lưu ý đối với thanh tra chuyên ngành” do ông Vũ Hồng Khánh, Tư vấn viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) và “Kỹ năng nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính” do ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Trưởng phòng, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) trình bày.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội nghị
Thông qua Hội nghị, các cán bộ đã được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành; từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thanh tra KH&CN và góp phần tích cực vào việc quản lý của Bộ, ngành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời đại mới. Hơn hết, các đại biểu đã thể hiện quyết tâm mong muốn duy trì, giữ vững hệ thống thanh tra KH&CN địa phương, hệ thống thanh tra sở KH&CN và đưa ra giải pháp để chung tay duy trì hệ thống đó. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị có chức năng thanh tra và các đơn vị có liên quan của Bộ với thanh tra Sở, đẩy mạnh hiệu quả, hiệu lực thanh tra KH,CN&ĐMST trên toàn quốc, tạo sức mạnh toàn ngành.