Thứ sáu, 12/08/2022 18:12 GMT+7

Khai mạc Hội thảo vùng về Luật hạt nhân cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Sáng ngày 08/8/2022, Hội thảo vùng về Luật hạt nhân cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được khai mạc tại Hà Nội. Đây là sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức từ ngày 08-12/8/2022 trong khuôn khổ dự án RAS0090 của IAEA về “Thúc đẩy và tăng cường khuôn khổ pháp lý quốc gia”. Hội thảo có sự tham dự của 07 chuyên gia IAEA và 34 đại biểu đến từ 14 quốc gia bao gồm Brunei, Fiji, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Vanuatu và Việt Nam.

Hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ và thảo luận về các khía cạnh của pháp lý quốc tế; đánh giá hệ thống pháp luật của các nước thành viên về lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân; trao đổi về chương trình, kế hoạch liên quan đến xây dựng, củng cố khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này.
 

Toàn cảnh Phiên Khai mạc Hội thảo.

Tham dự Phiên khai mạc Hội thảo về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định; Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; đại diện các cơ quan là thành viên của Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia Hội đồng thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2021-2023 đến từ các Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
 

Tổng Giám đốc IAEA phát biểu tại Phiên khai mạc thông qua video ghi hình.
 

Tại Phiên Khai mạc, thông qua video ghi hình trước đó, Tổng Giám đốc IAEA phát biểu cảm ơn Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội thảo, đồng thời khẳng định Hội thảo là một phần quan trọng của chương trình hỗ trợ pháp lý của IAEA. Theo ông, lĩnh vực hạt nhân mang tính toàn cầu, do đó mỗi quốc gia khi xây dựng khuôn khổ pháp quy của mình cần xem xét và kết hợp hài hòa, nhất quán với khuôn khổ pháp quy của các quốc gia khác cũng như các tiêu chuẩn, hướng dẫn và các công cụ pháp lý quốc tế để bảo đảm luật pháp quốc gia phản ánh xuyên suốt các lĩnh vực của đời sống. Ông cho biết nhận thức rõ những thách thức của các quốc gia thành viên trong vấn đề này, IAEA đã xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý dành cho tất cả các nước không phân biệt phạm vi hoạt động và cơ sở vật chất ở mỗi quốc gia, đồng thời nhấn mạnh thông qua chương trình này, mỗi năm IAEA đã đào tạo khoảng 200 đến 250 cán bộ về luật hạt nhân. Từ năm 2011 đến năm 2019, gần 1/3 trong số 550 cán bộ được đào tạo đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tổng Giám đốc IAEA mong muốn Hội thảo sẽ là cơ hội để các quốc gia trao đổi về chương trình, kế hoạch hợp tác liên quan đến xây dựng, củng cố khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại Phiên Khai mạc, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh luật hạt nhân là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa nhiều lợi ích nhằm đảm bảo các ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân được thực hiện một cách an toàn, an ninh và hòa bình. Đặc điểm cơ bản của hệ thống luật này là tập trung kép vào lợi ích và rủi ro. Khi các công nghệ mới đầy hứa hẹn xuất hiện, luật hạt nhân cũng cần thích ứng với những phát triển mới, cho phép ngành khoa học và công nghệ hạt nhân đóng góp vào việc giải quyết những thách thức sắp xảy ra, bao gồm cả biến đổi khí hậu.
 

Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại Phiên Khai mạc Hội thảo.
 

Đối với Việt Nam, Hội thảo này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình xem xét, sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử sau 15 năm thực hiện kể từ khi được ban hành vào năm 2008. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn IAEA tiếp tục hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách ở các nước thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương nâng cao nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của việc tham gia và thực thi các công cụ pháp lý do IAEA khởi xướng, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng khung pháp lý quốc gia toàn diện để bảo đảm an toàn, an ninh và sử dụng hòa bình công nghệ hạt nhân.

Cũng tại phiên khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định năng lượng nguyên tử đóng một vai trò quan trọng trong ứng phó các thách thức toàn cầu như khủng hoảng về năng lượng, y tế, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững; việc sử dụng năng lượng nguyên tử là quyền và trách nhiệm của mỗi quốc gia, nhưng cũng cần tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, các điều ước, thỏa thuận quốc tế và tiêu chuẩn, quy định của IAEA; đề cao vai trò của IAEA trong việc dẫn dắt các thảo luận, xây dựng các khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm điều chỉnh, quản lý sự phát triển của công nghệ hạt nhân mới như lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ dạng mô-đun (SMR). 
 

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại phiên Khai mạc.
 

Nhân dịp này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh vai trò của hợp tác đa phương và đánh giá cao nỗ lực của IAEA nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, trong đó có Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng Hội thảo lần này với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia hàng đầu của IAEA sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích, thiết thực cho các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý trong nước trong lĩnh vực hạt nhân.
 

Các đại biểu tham dự Phiên Khai mạc Hội thảo.
 

Trong 05 ngày diễn ra Hội thảo, các chuyên gia IAEA và đại biểu sẽ chia sẻ, thảo luận các vấn đề về Luật Hạt nhân và Chương trình hỗ trợ pháp lý của IAEA, xây dựng luật hạt nhân toàn diện cho các quốc gia, khuôn khổ pháp lý quốc tế về an toàn hạt nhân. Các đại biểu cũng sẽ trình bày báo cáo quốc gia về xây dựng Luật Hạt nhân và thảo luận song phương với IAEA để xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Luật Hạt nhân.

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 9985

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)