Thứ tư, 29/06/2022 22:15 GMT+7

Hội thảo khoa học “Ứng dụng nhiễu xạ nơtron để nghiên cứu vật liệu”

Sáng ngày 24/6/2022, nhận lời mời Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN), GS.TS. Lê Hồng Khiêm - Đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna và TS. Zbigniew Surowiec, Phòng thí nghiệm Frank về Vật lý nơtron (FLNR) thuộc Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên bang Nga đã đến thăm và có buổi hội thảo trao đổi thông tin khoa học với chủ đề “Ứng dụng nhiễu xạ nơtron để nghiên cứu vật liệu”.

Nội dung bài trình bày và thảo luận tập trung vào nghiên cứu, sử dụng nơtron làm công cụ để tìm hiểu cấu trúc và động lực của vật chất ngưng tụ, bao gồm tinh thể, hệ thống nano, chức năng của vật liệu, chất lỏng, polyme, đá... Những nghiên cứu có thể ứng dụng trong sinh học phân tử, dược học, kỹ thuật chuẩn đoán và các lĩnh vực khoa học, công nghệ khác. Thêm vào đó, TS. Zbigniew Surowiec cung cấp thông tin liên quan đến việc hợp tác, khai thác các kênh nghiên cứu trên lò phản ứng xung nhanh nơtron IBR-2 về nhiễu xạ, tán xạ góc nhỏ, phản xạ, tán xạ không đàn hồi và phân tích kích hoạt nơtron. TS. Zbigniew Surowiec cũng chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu và tìm ra vật liệu mới, mục đích thường là tìm hiểu mối liên hệ hoặc mối tương quan giữa đặc tính vật liệu và cấu trúc vật liệu. Bước trung gian trong quá trình này là tìm hiểu cấu trúc cơ bản tinh thể, bao gồm vị trí và đặc tính hóa học của các nguyên tử cấu thành, vị trí, đặc tính hóa học, nồng độ tạp chất và bản chất (khuyết tật) của các mẫu vật.
 


TS. Zbigniew Surowiec trình bày tại buổi seminar khoa học

Nhiễu xạ neutron là một công cụ mạnh mẽ để nghiên cứu các vật liệu phân lớp, vật liệu có cấu trúc nano, chất siêu dẫn đa kim hoặc vật liệu từ tính. Neutron có mômen từ, và bị tán xạ bởi mômen từ của các nguyên tử trong mẫu. Tiết diện tán xạ của quá trình tán xạ từ này nhạy với sự định hướng tương đối của các mômen từ nơtron, mômen từ nguyên tử và vectơ tán xạ. Điều này cho phép cấu trúc từ được xác định từ cường độ của các đỉnh nhiễu xạ từ, tương tự như cấu trúc tinh thể được xác định từ cường độ các đỉnh nhiễu xạ hạt nhân.
 


Hình ảnh các kênh nghiên cứu trên Lò phản ứng xung IBR-2 tại FLNR

Kết thúc hội thảo, GS.TS. Lê Hồng Khiêm và TS. Zbigniew Surowiec đã có những trao đổi với các cán bộ của Viện KH&KTHN cùng khách mời tham dự nhằm tìm hiểu và mở ra những hướng nghiên cứu mới.

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học thực sự là yếu tố quan trọng, giúp các cán bộ nghiên cứu có thêm thông tin, kiến thức và kinh nghiệm để phát triển chuyên môn./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1546

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)