Tham dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, doanh nghiệp KH&CN; thành viên Hội đồng Giải thưởng; đại diện gia đình cố GS. Tạ Quang Bửu và các phóng viên, cơ quan thông tấn, báo chí.
Từ năm 2014 đến nay, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội của ngành KH&CN. Đây là dịp để các bộ, ngành, địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp tổ chức hoạt động phổ biến, giới thiệu các cơ chế, chính sách mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); giới thiệu thành tựu nổi bật của KH&CN; góp phần khẳng định vị trí, vai trò của KH,CN&ĐMST trong phát triển KT-XH, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là dịp để tôn vinh, ghi nhận đóng góp của cộng đồng KH&CN đối với đất nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi Lễ.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã tri ân, tôn vinh các thế hệ đội ngũ cán bộ quản lý và trực tiếp triển khai hoạt động KH&CN, đồng thời khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. Nhiều sự kiện, hoạt động được tổ chức rộng khắp cả nước để tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN, kêu gọi sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ĐMST, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và ứng dụng giải pháp khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Ngày KH&CN năm 2022, với quyết tâm toàn ngành chung sức vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả dịch COVID-19, Bộ KH&CN lựa chọn chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" với mong muốn ngành KH&CN Việt Nam sẽ có đóng góp thiết thực, mạnh mẽ hơn, khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước, phục hồi nền kinh tế.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: KH,CN&ĐMST phải thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 11/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức KH&CN tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống ĐMSTquốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KH&CN; nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN; thu hút nguồn lực; phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tặng hoa và trao Giải thưởng cho GS.TSKH Ngô Việt Trung; PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu.
Trong không khí trang trọng của Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 đã được trao cho 2 nhà khoa học. Đó là GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, lĩnh vực Toán học với Công trình "Depth functions of symbolic powers of homogeneous ideals - Các hàm độ sâu lũy thừa hình thức của idean thuần nhất". Công trình nghiên cứu một bất biến rất cơ bản của Idean là độ sâu, giải quyết được 3 bài toán mở liên quan đến tính tăng của hàm độ sâu, tính hội tụ của hàm độ sâu và tính đạt được mức tuần hoàn cho trước của hàm độ sâu. Đây là lần đầu tiên một công trình thực hiện tại Việt Nam được đăng trên tạp chí Inventiones Mathematicae, một trong số ít tạp chí toán học hàng đầu thế giới.
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, lĩnh vực Hóa học với Công trình: Thiết kế giao diện vùng cứng – vùng mềm với những liên kết động lực Diels–Alder: Hướng đến các cơ tính và tự lành chất lượng cao ở nhiệt độ trung bình. Kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng một hướng nghiên cứu mới của thế giới, và khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu mới "tự lành" ở Việt Nam.
GS.TSKH Ngô Việt Trung phát biểu tại buổi Lễ
Khi được mời lên phát biểu, GS.TSKH Ngô Việt Trung nói: "Tôi xúc động vì nhận giải thưởng mang tên người mà tôi vẫn gọi là bác Tạ Quang Bửu, người đã thay đổi cuộc đời tôi". Ông chia sẻ, ít người biết chuyện ông từng phải đi nạng từ bậc phổ thông, dù đủ tiêu chuẩn đi du học, không nước nào muốn nhận. Chính nhờ cố GS. Tạ Quang Bửu can thiệp đã giúp ông sang Đức học toán và điều trị để có thể đi lại như ngày nay. "Giải thưởng này tôi xin kính dâng hương hồn của GS. Tạ Quang Bửu".
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu phát biểu tại buổi Lễ
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu, giải thưởng là nguồn động viên lớn đối với các nhà khoa học. Chị cho biết công trình là một trong số đề tài mà nhóm theo đuổi bắt từ cảm hứng kể từ xu hướng bùng nổ nghiên cứu về vật liệu tự lành trên thế giới. "Những kết quả nghiên cứu của nhóm vẫn ở mức cơ bản bước đầu và con đường đến với ứng dụng thực tiễn còn dài nhưng hiểu biết tích lũy là động lực giúp chúng tôi theo đuổi niềm đam mê".
Chia sẻ về Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 dành cho các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay, trong những năm vừa qua, khoa học cơ bản đã được quan tâm đầu tư, trong đó phải kể đến chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản thông qua Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia được triển khai từ năm 2009. Khoa học cơ bản của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật. Các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu hôm nay và trong các năm vừa qua là minh chứng rõ nét cho những thành tựu đó.
"Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chú trọng đầu tư đúng mức cho nghiên cứu cơ bản, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tư cho nghiên cứu, đồng thời, kiện toàn hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng khuyến khích tự chủ, đẩy mạnh kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp; tạo điều kiện để nghiên cứu cơ bản thực sự là nền tảng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bền vững đi lên".
Trong khuôn khổ Ngày KH&CN Việt Nam, Bộ KH&CN tổ chức các hoạt động rất ý nghĩa như: Ngày hội STEM; Hội nghị các nhà khoa học trẻ và trao giải cuộc thi sáng kiến khoa học năm 2022; Lễ phát động văn hóa đọc trong ngành KH&CN; mở cửa các phòng thử nghiệm.