Thứ bảy, 14/05/2022 09:35 GMT+7

Phát động văn hóa đọc trong ngành khoa học và công nghệ

Nhằm hướng đến kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022); chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2022; hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, sáng 12/5, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức lễ phát động phong trào đọc sách trong ngành khoa học và công nghệ.

Quang cảnh buổi Lễ.

Phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, góp phần phát triển thế giới quan, nhân sinh quan và năng lực sáng tạo của con người, thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi cá nhân, sự phồn vinh của xã hội, gia tăng các nguồn lực cho đất nước.

Việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện. Phát triển văn hóa đọc là việc hướng đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, cộng đồng; làm cho việc đọc sách trở thành một nhu cầu thiết yếu, trở thành nền nếp và ở phạm vi lớn hơn là trở thành chuẩn mực văn hóa quốc gia. Cho dù xã hội phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được đặc biệt coi trọng, đó là nhu cầu tinh thần cần thiết. Đó là sự kết nối với truyền thống và hiện đại, giải trí và thẩm mĩ, nhận thức và giáo dục đối với công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Lễ phát động phong trào đọc sách trong ngành khoa học và công nghệ.

Phát động phong trào đọc sách trong cán bộ ngành KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các phương tiện thông tin ngày càng đa dạng, văn hóa đọc sách đang bị cạnh tranh, khiến giới trẻ dần mất thói quen đọc sách. Tuy nhiên, cho dù xã hội phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được đặc biệt coi trọng, đó là nhu cầu tinh thần cần thiết. Đặc biệt, những người làm KH&CN lại càng cần đọc sách để nâng cao trình độ, mở mang tri thức, là phương tiện cần thiết giúp nảy sinh được những ý tưởng mới. Vì vậy, việc phát triển văn hoá đọc nói chung và văn hoá đọc nói riêng trong ngành KH&CN là một việc cần thiết và ý nghĩa. Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ mong muốn mỗi cán bộ ngành khoa học và công nghệ sẽ thực sự trở một hạt nhân trong phong trào đọc sách, phát huy trách nhiệm của mình trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc, tích cực đóng góp để đẩy mạnh các hoạt động học tập, nghiên cứu, quản lý và chuyển giao công nghệ trong ngành khoa học và công nghệ.

Cũng tại lễ phát động, Bộ KH&CN đã giới thiệu nhiều cuốn sách mới xuất bản của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật như: Sổ tay Thương mại hóa; Báo cáo đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021; Muôn nẻo đường đến thành công; Trí óc vận hành như thế nào?...

Trong đó cuốn "Sổ tay Thương mại hóa" do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) phát hành là tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học... nhanh chóng đưa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh.

Để hỗ trợ Việt Nam tiến đến gần hơn các mục tiêu và cam kết phát triển bền vững, sổ tay này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản với trọng tâm phát triển bền vững, tức là không chỉ hướng đến kết quả kinh tế (lợi nhuận) mà còn tính đến cả yếu tố xã hội (con người) và môi trường. Các nguyên tắc này được mô tả rõ ngay từ bước đầu tiên của tiến trình Thương mại hóa và được lồng ghép trong các bước của sổ tay, nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng.
 

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại buổi Lễ.

Tài liệu này được xây dựng với sự phối hợp của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) là cơ quan quốc gia trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm chủ trì Chương trình Thương mại hóa Quốc Gia; Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), là cơ quan nghiên cứu ứng dụng quốc gia Úc; và Tập đoàn IIG là tập đoàn chuyên về thương mại hóa và đổi mới sáng tạo của Úc.

Cuốn "Trí óc vận hành như thế nào?" của tác giả Steven Pinker, dịch giả Võ Quang Phát được giới thiệu, trình bày ý tưởng về cách trí óc con người phát triển và tạo ra những kỳ công mà chúng ta coi như chuyện thường ngày như nói chuyện, đi bộ và kết bạn.

Pinker là một nhà khoa học thần kinh nhận thức chuyên nghiên cứu vấn đề thụ đắc ngôn ngữ ở trẻ em. Ông tiếp cận vấn đề trí óc từ góc độ tâm lý và nhận thức, nhưng cũng lồng ghép kiến thức chuyên môn từ khoa học máy tính, nhân chủng học, sinh học tiến hóa và triết học. Pinker đặc biệt dựa vào thuyết tư duy tính toán và thuyết tiến hóa để giải thích nguồn gốc và chức năng của trí óc. Cuốn sách đã lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Pulitzer và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học khác.

Sau lễ phát động, Tuần lễ Sách Khoa học và Công nghệ 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật và Công ty cổ phần sách Alpha Books phối hợp triển khai, sẽ khai mạc ngày 14/5 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp. Tại đây sẽ có các gian hàng giới thiệu sách khoa học theo chủ đề với 50.000 đầu sách của trên 20 Nhà xuất bản, báo, tạp chí, đơn vị xuất bản, phát hành và công ty truyền thông sách, công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo - Sở KH&CN tỉnh Bình Định tham gia.

Đặc biệt, giới thiệu 200 tựa sách bán chạy và mới nhất từ các Nhà xuất bản lớn trên thế giới như Wiley, Springers, Taylor & Francis, Sage Publishing,…với các thể loại bản quyền bao gồm bản quyền sách giấy, ebook và audiobook về mảng đề tài: Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ số, Khoa học cho trẻ em và thanh thiếu niên.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 6326

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)