Thứ ba, 03/05/2022 22:40 GMT+7

Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia: “Nghiên cứu phát triển chip sinh học đếm tế bào lympho T CD4+ để đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch sử dụng công nghệ nano và hệ vi lưu”, mã số ĐTĐL.CN-02/18

Ngày 27/4/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia: "Nghiên cứu phát triển chip sinh học đếm tế bào lympho T CD4+ để đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch sử dụng công nghệ nano và hệ vi lưu", mã số ĐTĐL.CN-02/18.


PGS.TS
 Nguyễn Hoàng Nam thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu và kết quả của nhiệm vụ
 

Có rất nhiều các xét nghiệm phát hiện bệnh và xét nghiệm phải thường xuyên thực hiện trong quá trình khám chữa bệnh để có thể điều chỉnh quá trình điều trị kịp thời và hiệu quả. Những xét nghiệm này làm tăng chi phí điều trị và đa phần đều cần thực hiện bởi các kỹ thuật viên lành nghề với hệ thống máy móc đắt tiền chỉ có thể được đầu tư tại các bệnh viện lớn khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải và bệnh nhân cũng phải di chuyển xa hoặc phải điều trị nội trú. Các bệnh về suy giảm miễn dịch như HIV, viêm gan B,… rất cần thường xuyên xét nghiệm đếm tế bào miễn dịch lympho T CD4+ trong máu. Việc đếm tế bào này cần thiết cho việc phát hiện bệnh, các giai đoạn bệnh cũng như việc đáp ứng phác đồ điều trị của bệnh nhân.

Nguyên lý chung để đếm được tế bào miễn dịch lympho T CD4+ trong máu là cần phải tách lọc tế bào ra khỏi mẫu máu sau đó đưa vào thiết bị đếm. Để tách lọc tế bào ra khỏi mẫu máu thì có nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp tách lọc từ sử dụng hạt nano từ tính có khả năng liên kết với tế bào qua liên kết kháng nguyên kháng thể. Sau khi được tách lọc ra khỏi mẫu máu, các tế bào sẽ có thể được đếm bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng trong các phương pháp này, phương pháp đo điện sẽ có nhiều ưu điểm để hướng đến việc chế tạo thiết bị đếm cầm tay và chi phí hợp lý.

Đề tài ĐTĐL.CN-02/18 dựa trên nhu cầu thực tế về việc cần thiết phải có một thiết bị nhỏ gọn với giá thành không cao để có thể sử dụng đại trà đối với những người nghi nhiễm, bệnh nhân đang điều trị các bệnh về suy giảm miễn dịch. Một thiết bị như thế này hiện nay cũng chưa có trên thế giới và do đó có tiềm năng rất lớn trong khả năng thương mại hóa sau khi đưa vào thực tiễn. Đây là một đề tài mang tính liên ngành cao và là sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhóm nghiên cứu mạnh thuộc các lĩnh vực vật lý, điện tử và y sinh học tại Việt Nam. Phương pháp đếm tế bào sử dụng chip vi lưu và hiệu ứng điện hiện cũng đang là một phương pháp mới, được phát triển để có thể đếm được từng tế bào. Các vật liệu nano đa chức năng nghiên cứu trong đề tài cũng là một hướng hiện đại của khoa học công nghệ nano trên thế giới và việc sử dụng hạt nano đa chức năng nhằm làm tăng hiệu quả gắn kết với kháng thể và tách lọc đặc hiệu để tăng tính chính xác của chip sinh học đếm tế bào T CD4+ cũng là một điểm mới, sáng tạo của đề tài.

Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu cơ bản để phát triển theo định hướng ứng dụng trong Chương trình Phát triển vật lý đến năm 2020, Bộ KH&CN đã phê duyệt nhiệm vụ Nghiên cứu phát triển chip sinh học đếm tế bào lympho T CD4+ để đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch sử dụng công nghệ nano và hệ vi lưu” do PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam làm chủ nhiệm; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là Cơ quan chủ trì. Đề tài thực hiện từ tháng 01/2018 đến tháng 01/2022 với mục tiêu chính là:

- Chế tạo được một số loại hạt nano đa chức năng được gắn kết với các chế phẩm sinh học và hệ vi lưu phù hợp nhằm ứng dụng chế tạo chip sinh học để đếm tế bào T CD4+.

- Chế tạo được chip sinh học, tối ưu hóa các vật liệu, hệ vi lưu và thiết kế hệ thống điện tử điều khiển và thu thập dữ liệu từ chip sinh học.

- Chế tạo thử nghiệm thiết bị cầm tay có khả năng đếm tế bào T CD4+ trong máu sử dụng hạt nano đa chức năng và hệ vi lưu trong chip sinh học, được đánh giá bởi một đơn vị chuyên môn độc lập.

I. Kết quả đạt được của nhiệm vụ

1. Sản phẩm dạng I:

1.1. 1000 ml vật liệu nano đa chức năng;



Ảnh TEM và HRTEM của vật liệu nano đa chức năng chế tạo được

 

1.2. 50 chíp sinh học dùng cho thiết bị đếm tế bào lympho T CD4+;



Chíp sinh học dùng cho thiết bị đếm tế bào Lympho T CD4+ chế tạo được

 

1.3. 03 thiết bị cầm tay đếm tế bào lympho T CD4+.



Thiết bị đếm tế bào Lympho T CD4+ chế tạo được

 

2. Sản phẩm dạng II

2.1. 01 quy trình chế tạo vật liệu nano đa chức năng;

2.2. 01 bản vẽ và quy trình chế tạo chip sinh học đếm tế bào lympho T CD4+;

2.3. 01 bản vẽ và quy trình chế tạo thiết bị cầm tay sử dụng chip sinh học đếm tế bào lympho T CD4+;

2.4. 01 bộ tiêu chuẩn cơ sở của thiết bị cầm tay sử dụng chip sinh học đếm tế bào lympho T CD4+ và bản hướng dẫn sử dụng thiết bị;

2.5. 01 báo cáo thử nghiệm thiết bị đếm tế bào lympho T CD4+ tại các cơ sở y tế;

3. Sản phẩm dạng III

3.1. 03 công bố quốc tế trong hệ thống tạp chí ISI;

3.2. 01 chương sách chuyên khảo của nhà xuất bản quốc tế;

3.3. 02 công bố trên hội nghị trong nước và quốc tế;

3.3. 01 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;

3.4. Đào tạo 03 Thạc sỹ; hỗ trợ đào tạo 02 Tiến sỹ.

II. Hiệu quả của nhiệm vụ

- Góp phần xây dựng nhóm nghiên cứu mang tính chất liên ngành, tạo ra sản phẩm hiệu quả, mang tính ứng dụng;

- Hình thành một mô hình trực tiếp từ nghiên cứu, phát triển công nghệ tới ứng dụng trong thực tiễn, dựa trên thực tiễn để xây dựng mục tiêu, giải quyết vấn đề của xã hội, cụ thể là trong ngành y;

- Mở ra một định hướng cho việc ứng dụng công nghệ nano kết hợp hệ vi lưu để giải quyết các vấn đề y sinh học và thực tiễn khám chữa bệnh tại Việt Nam và các nước đang phát triển;

- Mở ra khả năng sản xuất các thiết bị cầm tay nhỏ gọn, giảm giá thành và thuận lợi hơn trong quá trình xét nghiệm, đánh giá đối với các bệnh nhân suy giảm miễn dịch, giảm chi phí y tế cho xã hội;



Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia

 

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm và Cơ quản chủ trì; các nội dung nghiên cứu và sản phẩm của nhiệm vụ đáp ứng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng phù hợp với mục tiêu của Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020, tầm nhìn 2030; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học; về chủng loại, số lượng, khối lượng và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí đánh giá nghiệm thu đề tài ở mức "Đạt". Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung góp ý, chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.

Nguồn: Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên

Lượt xem: 1595

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)